Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.
Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 có mục tiêu phát triển đồng bộ, hiệu quả ngành công nghiệp Khí thông qua việc phát huy các nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp Khí.
Quy hoạch nêu rõ việc phát triển ngành công nghiệp Khí được dựa trên nguyên tắc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên trong nước, tăng cường nhập khẩu, nhằm đảm bảo nguồn năng lượng phát triển đất nước bền vững; đẩy mạnh đầu tư chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị sử dụng của khí và hiệu quả sản phẩm khí trong nền kinh tế, giảm thiểu tỷ trọng LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) nhập khẩu.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng được dựa trên nguyên tắc sử dụng tối đa công suất hệ thống hạ tầng hiện hữu; phát triển thị trường tiên thụ khí theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, từng bước hội nhập với thị trường khí khu vực và thế giới.
Chính phủ đã đề ra một số mục tiêu phát triển chính để ngành Khí phấn đấu. Việc tìm kiếm thăm dò, khai thác khí trong nước sẽ đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò, chính xác hóa tiềm năng, trữ lượng khí thiên nhiên, phấn đấu đạt sản lượng khai thác khí thiên nhiên trong nước đạt trên 14 tỷ m3/năm vào năm 2015 và 15 – 19 tỷ m3/năm vào giai đoạn 2016 – 2025; khẩn trương xúc tiến nhập khẩu khí.
Về phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp Khí, Chính phủ yêu cầu hoàn thành hạ tầng công nghiệp Khí khu vực miền Nam, hình thành và phát triển hạ tầng công nghiệp Khí khu vực miền Bắc và miền Trung, từng bước triển khai xây dựng hệ thống mạng nối đường ống dẫn khí liên vùng, liên khu vực; đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng nhà máy chế biến và xử lý khí nhằm chế biến sâu khí thiên nhiên khai thác trong nước để nâng cao hiệu quả sử dụng khí và thực hiện tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên.
Về phát triển công nghiệp LPG, cần đầu tư phát triển các dự án sản xuất LPG trong nước nhằm giảm tỷ trọng và dần thay thế lượng LPG nhập khẩu, mở rộng công suất các kho hiện có, kết hợp với triển khai xây dựng các dự án mới, đáp ứng nhu cầu trong nước với quy mô khoảng 1,6 – 2,2 triệu tấn/năm vào năm 2015 và 2,5 – 4,6 triệu tấn/năm vào năm 2025; đảm bảo nhu cầu dự trữ tối thiểu đạt trên 15 ngày cung cấp trong giai đoạn đến năm 2015.
Về phát triển thị trường tiêu thụ khí, Chính phủ yêu cầu tiếp tục phát triển thị trường điện là thị trường trọng tâm tiêu thụ khí (bao gồm cả LNG – khí thiên nhiên hóa lỏng) với tỷ trọng khoảng 70 – 85% tổng sản lượng khí, đáp ứng nguồn nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất điện, đẩy mạnh sử dụng khí và sản phẩm khí trong sản xuất hóa dầu, sinh hoạt đô thị và giao thông vận tải, góp phần đảm bảo môi trường và nâng cao giá trị gia tăng của khí; phấn đấu phát triển thị trường khí với quy mô 17 – 21 tỷ m3/năm vào năm 2015 và 22 – 29 tỷ m3/năm vào giai đoạn 2016 – 2025.
Việc phát triển ngành công nghiệp khí được dựa trên nguyên tắc kết hợp hài hòa các nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để phát triển đồng bộ, hiệu quả và bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn cho đất nước.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam và các cơ quan liên quan phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, hiện thực hóa các định hướng phát triển về tìm kiếm thăm dò và khai thác khí trong nước, hoàn thiện các hệ thống đường ống thu gom và vận chuyển khí, các nhà máy xử lý khí, hệ thống kho nhập khẩu và kho chứa đầu mối… Đặc biệt, Chính phủ đã định hướng các giải pháp, chính sách thực hiện quy hoạch.
Quyết định nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 30/3/2011.
(Theo Thông tấn xã Việt Nam)