PV GAS tham gia tài trợ “Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016”
“Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016” do Báo Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức vào ngày 25/8 tại Hà Nội. Diễn đàn là một hoạt động nhằm triển khai “Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007. Chiến lược chỉ rõ, phát triển năng lượng phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo đi trước một bước, đảm bảo đồng bộ, bền vững, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và công nghệ tiết kiệm năng lượng; Từng bước hình thành thị trường năng lượng, đa dạng hóa sở hữu và phương thức kinh doanh, xóa bao cấp và độc quyền; Phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống năng lượng, quan tâm phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Diễn đàn có sự tham dự của 500 đại biểu từ các cơ quan bộ/ban ngành Trung ương và địa phương; các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế và chính sách, các hiệp hội ngành hàng, các trường đại học và viện nghiên cứu cùng với đại diện của các cơ quan thông tấn báo chí và truyền thông. Diễn đàn có sự tham gia hỗ trợ, đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Tổng Công ty Điện lực Dầu Khí Việt Nam (PV Power), Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP).
Là đơn vị tổ chức Diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Quý, Tổng Biên tập Báo Công Thương khẳng định: Cách đây 30 năm, ngành Năng lượng Việt Nam còn hết sức khiêm tốn. Nguồn điện cả nước mới có khoảng 10 MW nhưng đến nay chúng ta đã có tổng nguồn điện gần 40.000 MW; hệ thống lưới điện từ truyền tải đến phân phối đã phát triển đồng bộ và rộng khắp, đứng thứ 31 thế giới và thứ 3 khu vực. Gần 100% số xã và 99% số hộ dân được sử dụng điện. Quan trọng hơn, ngành điện đã hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của mình đó là cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành năng lượng Việt Nam cũng đã và đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện các quy hoạch, chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 7%/năm giai đoạn từ 2016-2030.
Diễn đàn đã thẳng thắn đề cập đến câu hỏi mà dư luận quan tâm là làm thế nào có đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nhiều cơ hội mới từ các Hiệp định FTA thế hệ mới; trước những ảnh hưởng to lớn bởi tình hình kinh tế chính trị thế giới và khu vực, cùng các thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu; hay những khó khăn mà ngành năng lượng đang gặp phải như thiếu nguồn vốn, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng; khai thác than, dầu khí ngày càng khó khăn do tài nguyên phân tán, chi phí cao còn sản phẩm bị cạnh tranh gay gắt...
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng năng lượng trong sản xuất kinh doanh và mở rộng hợp tác để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững; trao đổi và thảo luận về các chính sách, các vấn đề về tầm nhìn quốc gia về sử dụng năng lượng và các giải pháp cho Việt Nam đạt được sự phát triển bền vững vì mục tiêu phục vụ con người, quốc gia dân tộc; Nâng cao nhận thức sử dụng tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp; Động viên các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh doanh gắn với việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
"Thời gian tới, Báo Công Thương cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng các doanh nghiệp năng lượng nước nhà thực hiện tốt công tác truyền thông với quan điểm “chủ động đi trước một bước” để doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng xã hội hiểu, chia sẻ và nắm được chủ trương đúng đắn của Nhà nước về lĩnh vực năng lượng cũng như những công việc mà các cơ quan quản lý, doanh nghiệp năng lượng đang thực hiện với mục đích đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" - ông Nguyễn Hữu Quý, Tổng Biên tập Báo Công Thương nhấn mạnh.