Giàn nén khí mỏ Rồng đạt mốc 2 tỷ m3 khí - Dấu ấn trong công tác quản lý vận hành của KĐN/PV GAS
Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2017, Giàn nén khí mỏ Rồng – Đồi Mồi đã đạt mốc sản lượng 2 tỷ m3 khí khai thác đưa về bờ. Sự kiện này ghi tiếp một dấu ấn quan trọng, khẳng định chủ trương đầu tư đúng đắn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS); đồng thời tôn vinh sự hợp tác hiệu quả giữa hai đơn vị PV GAS và Vietsovpetro.
Giàn nén khí mỏ Rồng – Đồi Mồi là dự án với tổng mức đầu tư ban đầu gần 150 triệu USD do PV GAS làm chủ đầu tư với đại diện là Ban Quản lý Dự án Khí Đông Nam Bộ. Vietsovpetro (VSP) trong vai trò tổng thầu. Công trình Giàn nén khí mỏ Rồng – Đồi Mồi chính thức đưa vào vận hành từ ngày 30/11/2010, gồm hai tổ hợp máy nén khí cao áp với công suất xử lý là 900.000 m3 khí/ngày đêm và tiếp tục được đầu tư mở rộng nâng công suất thu gom nén lên 1,5 triệu m3/ngày đêm trong năm 2012, nhằm mục đích thu gom toàn bộ lượng khí đồng hành khai thác từ mỏ Rồng và Đồi Mồi lô 09-1 và lô 09-3 để nén phục vụ cho ép vỉa và cung cấp khí về bờ.
Nhìn lại giai đoạn trước năm 2010, khu vực mỏ Rồng – Đồi mồi chưa được thu gom khí, mỗi ngày đều đốt bỏ hơn 1 triệu m3 khí, nhưng vẫn phải lấy khí từ giàn nén khí trung tâm Bạch Hổ để phục vụ ép vỉa, khai thác dầu. Thực trạng đó đã làm ảnh hưởng đến sản lượng khí về bờ sụt giảm, hơn thế nữa còn để lãng phí nguồn tài nguyên và gây ảnh hưởng môi trường biển. Thực trạng đó thật may mắn đã không kéo dài khi Giàn nén xuất hiện, bằng hiệu quả thiết thực đã và đang chứng minh tính đúng đắn của quyết tâm xây dựng và vận hành công trình.
Ở thời điểm hiện nay, sản lượng khí nén của giàn Rồng – Đồi Mồi đang giữ ở mức cao trên 1,4 triệu m3/ngày (trên 450 triệu m3/năm) và luôn hoạt động ổn định khoảng 90% công suất thiết kế. Liên tục từ năm 2010 đến nay, sản lượng khí từ giàn Rồng – Đồi Mồi đều vượt trên 10% kế hoạch sản lượng, tiến tới đạt gần 72% tổng lượng khí của đời dự án, đóng góp gần 1/3 sản lượng khí từ hệ thống Cửu Long đưa về bờ.
Để có được kết quả đầy ý nghĩa trên, ngay từ những ngày đầu khi được giao nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý vận hành công trình như một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, Ban Lãnh đạo Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam bộ (KĐN) đã chỉ đạo các bộ phận phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA Đông Nam bộ, bám sát tiến độ xây lắp của Dự án, để tiếp nhận thành công công trình. KĐN cũng tập trung huy động các nhân sự nòng cốt là các cán bộ kỹ thuật có năng lực, kinh nghiệm để thành lập đội ngũ giám sát vận hành biển; triển khai tuyển dụng, đào tạo và kèm cặp thêm các kỹ sư mới, nhằm nắm bắt ngay công việc tiếp nhận đưa dự án vào hoạt động. Trước đó, KĐN cũng đã đại diện PV GAS giám sát các công trình giàn nén khí Trung tâm Bạch Hổ, giàn nén khí nhỏ (sở hữu chung của PV GAS – VSP) và cụm máy nén Vòm Bắc. Tuy nhiên, khi tiếp nhận Dự án giàn nén khí này, thách thức vẫn đối mặt hàng ngày với đội ngũ giám sát, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa (BDSC). Mỗi người đều nhận thức rằng: Chỉ một nấc thay đổi chế độ khai thác, điều chỉnh công nghệ của giếng hay hệ thống thu gom khí, hệ thống khí ép vỉa… đều ảnh hưởng đến kết quả hoạt động và sản lượng của giàn nén. Vì vậy, ban Lãnh đạo và từng cán bộ giám sát, kỹ thuật của KĐN phải nắm bắt và cập nhật liên tục thông tin hoạt động của lô 09.1, 09.3 để có hướng xử lý, chỉ đạo phù hợp. Việc giàn có 2 tổ máy nén cao áp chạy liên tục, không có máy dự phòng cũng là một thách thức, đòi hỏi công tác BDSC phải tính toán sắp xếp tối ưu nhất có thể để giảm thiểu thời gian dừng máy. Mỗi trục trặc hay sự cố của hệ thống thiết bị phải xử lý gấp, trong điều kiện ngoài khơi xa, cũng thực sự là cuộc chạy đua với thời gian, bất kể ngày đêm hay lễ tết. Phía sau một lần thành công, đảm bảo an toàn cho giàn đều có rất nhiều công sức và mồ hôi của đội ngũ nhân sự cả ở ngoài giàn lẫn ở trong bờ.
“Cái khó ló cái khôn” – từ mối gắn bó nhiều thử thách ấy, sự linh hoạt, sáng tạo càng được phát huy, tạo nên những hướng đi mới bất ngờ và hiệu quả. Số liệu từ năm 2010 đến nay đã ghi nhận hàng loạt các sáng kiến từ đội ngũ giám sát, kỹ thuật của KĐN về cải tạo, nâng công suất, hiệu suất hoạt động cho giàn nén khí mỏ Rồng. Chỉ riêng năm 2016 đã có 2 sáng kiến được công nhận và báo cáo ở cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về nâng cao công suất các máy nén khí cao áp và máy nén booster, mà kết quả thực tiễn giúp gia tăng sản lượng khí nén của giàn Rồng liên tục ổn định ở mức cao qua các năm.
Như vậy chỉ sau 3 năm từ mốc sản lượng 1 tỷ m3 khí đạt được vào tháng 4 năm 2014, sự kiện 2 tỷ m3 của 2017 tiếp tục ghi dấu ấn quan trọng và ý nghĩa, khẳng định chủ trương đầu tư đúng đắn của PVN và PV GAS cùng sự hợp tác hiệu quả giữa hai đơn vị PV GAS và VSP. Đồng thời, mốc sản lượng này cũng ghi nhận những đóng góp đáng tự hào của tập thể Ban Lãnh đạo và CBCNV Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam Bộ - đơn vị quản lý vận hành công trình. KĐN và nhà thầu vận hành - tập thể CBCNV Xí nghiệp Khai thác các công trình Khí (XNK) trực thuộc VSP đã và đang thể hiện tinh thần làm việc đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt lên những khó khăn, thách thức để đóng góp vào thành tích chung, vì sự phát triển bền vững của PV GAS, VSP nói riêng, của ngành Dầu khí nói chung và vì sự ổn định an ninh năng lượng của đất nước.
Tấn Hùng (KĐN)