Các đơn vị PV GAS tăng cường phối hợp, đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh LPG tại kho cảng Đình Vũ
Công tác an toàn trong vận hành, bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) và giao nhận LPG luôn được xem là yếu tố then chốt, quyết định đến sự sống còn, sự phát triển ổn định và bền vững của các doanh nghiệp kinh doanh LPG. Để nâng cao hiệu quả công tác này, vừa qua tại Quảng Ninh, Công ty Chế biến khí Vũng Tàu (KVT) đã tổ chức “Hội thảo an toàn trong vận hành, BDSC và giao nhận LPG tại Hải Phòng”.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện KVT, Công ty Cổ phần Kinh doanh khí miền Bắc (KMB) và Gas Sellan là 3 đơn vị đang sử dụng chung đường ống nhập LPG từ cầu cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ngoài công tác nhập tàu, 3 đơn vị còn có mối quan hệ mật thiết trong công tác vận hành, BDSC cũng như an toàn trong giao nhận LPG. Đặc biệt, hội thảo năm nay có thêm sự có mặt của Công ty Dịch vụ Khí (DVK) - đơn vị trực thuộc PV GAS phụ trách về công tác BDSC, để chia sẻ tới hội thảo những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện BDSC tại các đơn vị trực thuộc PV GAS, nhằm đảm bảo hệ thống thiết bị công nghệ có độ tin cậy cao, hạn chế tối đa các rủi ro có thể gây ảnh hưởng tới con người, môi trường và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các ý kiến tham gia hội thảo
Tại Hội thảo, các đơn vị đã cùng thảo luận nghiêm túc và đa chiều, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong công tác phối hợp cũng như các phương án khắc phục và đưa ra giải pháp phù hợp nhất để việc hợp tác giữa 3 bên ngày càng chặt chẽ, thuận lợi, hiệu quả hơn.
Báo cáo của KVT về công tác quản lý vận hành và BDSC tuyến ống dùng chung giữa 3 đơn vị cho thấy, tại Đình Vũ, thời gian khai thác vận hành tuyến ống liên tục chiếm 48,98%/ năm; Hệ thống tuyến ống/van vận hành liên tục và chịu điều kiện làm việc khắc nghiệt, rung động, ăn mòn hóa học… nguy cơ rò rỉ gây gián đoạn sản xuất, sai lệch số liệu hao hụt nếu đường ống không được BDSC phù hợp. Nếu xảy ra sự cố có thể gây ngừng kinh doanh, ảnh hưởng sản xuất của 3 bên, cũng như uy tín của doanh nghiệp.
Nhận thức được vấn đề trên, 3 bên luôn thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin trong vận hành, BDSC, ứng cố sự cố; trao đổi, phát hiện kịp thời các hỏng hóc van/ tuyến ống, phối hợp sửa chữa kịp thời. Trong trường hợp một bên tự khắc phục các hỏng hóc, các thông tin vẫn được cung cấp đến 3 bên để nắm được thông tin và chủ động trong vận hành. Kết quả, các bên đã phối hợp hiệu quả, không để xảy ra tai nạn sự cố trên tuyến ống.
Các ý kiến tham gia hội thảo
Công tác quản lý an toàn xe bồn, tàu giao nhận hàng tại cảng luôn tuân theo quy trình chặt chẽ. Cụ thể, các bên hỗ trợ nhau trong thời gian giao nhận cầu cảng, làm giảm chi phí phát sinh do quá giờ làm hàng; Thường xuyên trao đổi về các tàu hay xảy ra hao hụt để có biện pháp ngăn ngừa tái diễn. Do tuyến ống dài nên hay phát sinh việc đẩy lỏng chưa sạch trong quá trình nhập tàu (nhất là trong mùa đông), các bên đã hỗ trợ nhau trong thời gian bàn giao tuyến ống để hút lại phần LPG chưa đẩy hết.
Toàn bộ các xe bồn vào lấy hàng đều đã được trang bị van một chiều và bơm tại vị trí đường nạp lỏng có lắp van một chiều. Trước khi xe bồn vào lấy hàng đều được kiểm tra tình trạng kỹ thuật an toàn đảm bảo mới được vào kho lấy hàng. Các xe được kiểm soát tải trọng dựa trên khối lượng hàng chuyển chở tối đa cho phép trên đăng kiểm xe và không quá 90% thể tích bồn chứa, từ đó cài đặt khối lượng bơm phù hợp cho xe.
Người lao động PV GAS tại kho cảng Đình Vũ
Cùng với đó, hệ thống PCCC và nhân lực ứng cứu sự cố tại kho cảng Đình Vũ luôn sẵn sàng, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về con người và tài sản khi xảy ra sự cố. Mỗi kíp vận hành thực hiện diễn tập 2 bài PCCC trong từng tháng; Định kì hàng năm tổ chức diễn tập phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC. Các bên cũng thường xuyên tổ chức hướng dẫn, trao đổi với lái xe về các tính huống ứng cứu sự cố tại kho Đình Vũ.
Trong thời gian tới, để tăng cường sự phối hợp trong vận hành, BDSC và nâng cao an toàn trong giao nhận LPG, 3 đơn vị KVT, KMB và Gas Sellan định hướng sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, nâng cao ý thức vận hành viên trong giữ gìn tài sản tuyến ống dùng chung; Làm tốt 5S khu vực nhập tàu trước khi bàn giao; Thực hiện thông báo nhập hàng và niêm phong theo đúng quy trình phối hợp ba bên; Tích cực hơn trong việc phối hợp sửa chữa đột xuất/kiểm định ống mềm,… Tổ chức phối hợp diễn tập ứng cứu khẩn cấp theo quy chế phối hợp 3 bên.