Được sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Công đoàn Dầu khí Việt Nam, căn cứ vào kế hoạch hoạt động của Ban nữ công Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Hội nghị biểu dương “Tập thể, cán bộ nữ công xuất sắc, tiêu biểu năm 2010” và tập huấn công tác nữ công năm 2011 trong các ngày 14 đến 16/4/2011.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đại diện lãnh đạo Công đoàn, Ban “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” của các đơn vị trực thuộc Tập đoàn và hơn 200 cán bộ nữ công tiêu biểu xuất sắc năm 2010 toàn ngành Dầu khí. Hội nghị diễn ra tại thành phố Hạ Long, tôn vinh những phong trào, những gương mặt điển hình trong phong trào nữ công, một hoạt động đã góp phần định hướng chị em CBCNV toàn ngành Dầu khí năng động trong lao động, gương mẫu trong cuộc sống, tạo nên hình ảnh người nữ lao động điển hình và hiện đại.
Đẩy mạnh phong trào bằng nhiều hình thức
Hiện nay, lực lượng nữ của ngành Dầu khí (DK) chỉ gần 9.500 người trong tổng số trên 42.000 CBCNV toàn ngành. Tuy chiếm tỉ lệ không cao, nhưng chị em có mặt ở hầu hết mọi lĩnh vực, kể cả nơi nhiều áp lực cao như thăm dò, khai thác DK, xây lắp, phục vụ trên giàn khoan... Phong trào thi đua "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà" cũng như những hoạt động Công đoàn (CĐ), nữ công đã trở thành động lực để chị em vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt công việc và làm tròn bổn phận trong gia đình.
Với những đặc thù của ngành DK như có đơn vị phân tán, lưu động, có nghề độc hại, nguy hiểm, có đơn vị chuyển đổi hoặc thành lập mới... nên đòi hỏi hoạt động nữ công phải luôn đổi mới phù hợp với điều kiện từng đơn vị. Sau khi được kiện toàn, Ban Nữ công (BNC) CĐ ngành đã đề ra chương trình hoạt động của toàn khoá. Các chương trình về nâng cao năng lực hoạt động của BNC các cấp và chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CBCNV đã được thực hiện có hiệu quả.
Đảng uỷ, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã thường xuyên quan tâm thực hiện chế độ, chính sách, đảm bảo các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động về tiền lương, tiền thưởng, đặc biệt là chính sách đối với lao động nữ trong toàn ngành như: phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, phụ cấp độc hại, phụ cấp thâm niên, các chế độ về an toàn vệ sinh lao động; bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, v.v... Điều đó được thể hiện rõ qua việc thang, bậc lương của CNVCLĐ nam và nữ luôn đảm bảo bình đẳng, không có sự phân biệt. Thu nhập bình quân tăng qua các năm: 11,3 triệu đồng/người (2008) tăng lên 12,1 triệu đồng/người (2009).
Ngoài chính sách chung, chị em còn được hưởng các chế độ khác của Tập đoàn như: chế độ chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp, chế độ trang phục, quà tặng nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10….
Công đoàn Dầu khí phối hợp với các Ban chuyên môn tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác chăm sóc sức khoẻ cho chị em trong toàn ngành: khám sức khoẻ định kỳ, chế độ thai sản, chăm sóc bà mẹ trẻ em sau khi sinh, quan tâm thăm hỏi, trợ cấp khi chị em ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo…; thanh tra, kiểm tra các hành vi phân biệt đối xử, vi phạm quyền lợi và các qui định về an toàn, vệ sinh lao động đối với lao động nữ. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, đề xuất, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chính sách đối với lao động nữ.
Công đoàn ngành Dầu khí hàng năm tổ chức thành công Hội thi "Phụ nữ Dầu khí với thời trang và văn hóa”; “Duyên dáng Dầu khí” để tôn vinh vẻ đẹp, tài năng và trí tuệ của phụ nữ trong ngành, góp phần xây dựng hình ảnh phụ nữ Dầu khí, Văn hóa Dầu khí. Trong việc triển khai Văn hóa doanh nghiệp PetroVietnam, PVN cũng đã chú trọng tổ chức các hình thức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng hình ảnh người nữ CNVCLĐ của Tập đoàn Dầu khí: trí tuệ, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, nhân ái, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn.
Sức mạnh đoàn kết của phong trào
Trong thời gian qua, công tác nữ công, phong trào “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” và bình đẳng giới ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tính đến tháng 6/2010, toàn ngành có tổng số 9.350 nữ /42.000 CNVCLĐ, chiếm (22,6%) làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: thăm dò, khai thác dầu khí, lọc hoá dầu, bảo hiểm, tài chính, vận tải, xây lắp, dịch vụ tổng hợp…với nhiều các cương vị, vị trí chủ chốt khác nhau như lãnh đạo Tập đoàn hoặc trưởng, phó các ban quản lý điều hành, cán bộ quản lý doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các ban quản lý dự án, cán bộ Đảng, Đoàn thể với 3.889 chị có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên (chiếm 41,59%); 1.004 chị là lãnh đạo cấp phòng, ban trở lên (chiếm 10,73%). Chất lượng trình độ lao động nữ của Tập đoàn luôn được nâng cao: trong tổng số nữ CNVCLĐ có 364 chị có trình độ trên đại học (chiếm 3,7%); 3.543 chị có trình độ đại học (chiếm 37,89%), 1.021 chị có trình độ cao đẳng, trung cấp (chiếm 10,9%); 986 chị trình độ THPT (chiếm 10,5%).…
Những sự quan tâm đặc biệt của toàn ngành đã mang đến chị em không khí làm việc phấn khởi, hăng say và trách nhiệm, giúp chị em yên tâm tham gia lao động sản xuất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của ngành. Cùng với sự phát triển lớn mạnh của Tập đoàn Dầu khí, tình hình việc làm, đời sống vật chất, tinh thần của CNVCLĐ Dầu khí nói chung, chị em ngành Dầu khí nói riêng không ngừng được cải thiện, nâng cao. Các chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ kịp thời bằng nhiều nguồn quĩ khác nhau như Quỹ Phụ nữ nghèo, Quỹ Tương trợ Dầu khí…
Thông qua các chương trình hành động này, một trong những vấn đề luôn được BNC các cấp quan tâm là thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, việc làm, đời sống, nhà ở của chị em để kịp thời đề xuất, tham mưu với cơ quan chuyên môn các giải pháp hợp lý. Đặc biệt, các phong trào thi đua luôn được BNC đẩy mạnh nhằm động viên chị em vượt qua mọi khó khăn, rào cản, khẳng định rõ vai trò, năng lực của nữ lao động ngành DK.
Có thể thấy, phong trào “Giỏi việc nước - đảm việc nhà” nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía chị em, bởi như chị em tự nhận thức, những tiêu chí của phong trào vừa là động lực vừa là cái đích để chị em vươn lên và quan trọng hơn, ở mỗi nơi phong trào lại có những tiêu chí cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế của đơn vị. Theo TS Hà Duy Dĩnh - Chủ tịch CĐ DKVN - phong trào “Hai giỏi” đi vào đời sống của nữ lao động toàn ngành là do được sự quan tâm của Đảng uỷ, lãnh đạo, CĐ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng như ở các cấp và hơn hết là sự nỗ lực của những người làm công tác NC.
Một cơ sở nữa để công tác NC phát triển tốt là Nghị quyết của Đảng uỷ Tập đoàn về tăng cường công tác cán bộ nữ trong tình hình mới, trong đó đặt mục tiêu tỉ lệ nữ tham gia các cấp uỷ đạt trên 15% và nữ tham gia bộ máy lãnh đạo các cấp đạt trên 20% trong giai đoạn 2010-2015.