Hội nghị "Công nghiệp Khí Việt Nam- Định hướng phát triển năm 2025"
Trong 3 ngày từ 7 đến 9/7/2011, tại thành phố Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Hội nghị "Công nghiệp Khí Việt Nam- Định hướng phát triển đến năm 2025".
Ngày 30/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 459/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp Khí (CNK) Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025”. Nhằm rà soát, đánh giá và từng bước hiện thực hóa các dự án theo quy hoạch, Hội nghị lần này được tổ chức với mục tiêu: Đánh giá hiện trạng công nghiệp Khí Việt Nam, đưa ra định hướng và các giải pháp phát triển, quy mô đầu tư từng giai đoạn đến 2015, 2020, 2025 và tầm nhìn đến 2035, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Khí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, đại diện lãnh đạo phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ban Chỉ đạo Nhà nước về các dự án Dầu khí, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam. Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có ông Phùng Đình Thực, Tổng Giám đốc, ông Hoàng Xuân Hùng, thành viên HĐTV, các ông Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đại diện lãnh đạo Hội Dầu khí Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ban và 11 đơn vị thành viên Tập đoàn. Về phía Tổng Công ty Khí Việt Nam có bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch HĐQT, các ông Nguyễn Trung Dân, Phan Quốc Nghĩa - thành viên HĐQT, các ông Phó Tổng Giám đốc PV Gas, đại diện lãnh đạo các Ban, các đơn vị thành viên và trực thuộc.
Tại Hội nghị, các đơn vị liên quan đã trình bày nhiều bản tham luận về những vấn đề thiết thực trong quá trình xây dựng và phát triển nền công nghiệp Khí Việt Nam, như: Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Khí Việt Nam; Nguồn cung - đánh giá về tiềm năng, trữ lượng và khả năng khai thác các mỏ dầu/khí trong nước giai đoạn 2011-2025; Thực trạng, định hướng và giải pháp nhằm phát triển ngành công nghiệp Khí Việt Nam; Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh công tác thu gom khí đồng hành bể Cửu Long; Một số kinh nghiệm trong đàm phán các hợp đồng mua bán khí; Định hướng phát triển các dự án khí của VSP giai đoạn 2011-2025; Chương trình tìm kiếm thăm dò và kế hoạch phát triển khai thác các mỏ dầu/khí khu vực phía Bắc; Hiện trạng và tiềm năng khai thác khí than (CBM) tại miền võng Hà Nội; Công nghệ mới giải quyết vấn đề cấp khí cho thị trường miền Bắc - miền Trung; Định hướng phát triển Công nghiệp khí khu vực miền Bắc - miền Trung; Năng lực VSP trong việc khảo sát - thiết kế - mua sắm thiết bị vật tư, xây lắp, chạy thử, vận hành, bảo trì công trình khí; Tăng cường khả năng cung cấp khí thông qua các đề án khí trọng điểm: NCS2, Lô B; Các biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án Khí; Phát triển hạ tầng Khí Đô thị - Hiện trạng và triển vọng; Mục tiêu phát triển Tư vấn Thiết kế cho các dự án Khí; Giám định các công trình Dầu khí…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phùng Đình Thực- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã khẳng định, đây là lần đầu tiên ngành Dầu khí tổ chức một hội nghị để bàn sâu về thực trạng, tiềm năng, phương thức khai thác, tiêu thụ sản phẩm của ngành công nghiệp Khí của Việt Nam với quy mô và tầm quan trọng như lần này.
Hiện nay, 3 hệ thống đường dẫn khí đang cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất ra 36 tỷ kwh điện/năm, tương ứng 40% tổng sản lượng điện quốc gia; gần 800 000 tấn đạm/năm, tương ứng 30% tổng sản lượng đạm cả nước; 100 000 tấn xăng/năm, tương ứng 5% sản lượng xăng sản xuất trong nước và cung cấp khoảng 250 000 tấn LPG/năm, đáp ứng gần 30% nhu cầu về LPG toàn quốc.
Tính đến hết năm 2010, ngành công nghiệp Khí Việt Nam cơ bản đã đạt được mục tiêu chiến lược về sản lượng cho giai đoạn 2006-2010 là khoảng 10 tỷ m3 khí một năm. Trong những năm tới, ngành công nghiệp khí sẽ phát triển theo hướng tăng tốc, đột phá, đảm bảm an toàn, hiệu quả, an ninh năng lượng và an ninh lương thực cho đất nước. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ ngành công nghiệp Khí là 18-20%, đưa nền công nghiệp khí trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng trong nền kinh tế đất nước.
Theo ông Đỗ Đông Nguyên- Trưởng ban Khí của PVN - mục tiêu tìm kiếm thăm dò, khai tác Khí giai đoạn 2015 phấn đấu đạt 14 tỷ m3/năm; giai đoạn 2015-2025 đạt 15-19 tỷ m3/năm. Mục tiêu phát triển khí hóa lỏng (LPG) trong nước giai đoạn 2015 là đạt 1,6-2,2 triệu tấn/năm; giai đoạn 2015-2025 đạt 2,5- 4,6 triệu tấn/năm, trong đó phấn đấu phát triển thị trường khí trong nước đạt 17-21 tỷ m3/năm giai đoạn 2015 và 22-29 tỷ m3/năm trong giai đoạn 2015-2025.
Để đạt được sản lượng trên, ngành công nghiệp Khí quy hoạch để phát triển 31 dự án đường ống dẫn khí tại khu vực Nam bộ, 5 dự án khu vực Trung bộ và 7 dự án ở Bắc bộ, với nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án này khoảng 4.116 triệu USD. Hai dự án nhà máy xử lý khí ở Nam bộ, 2 nhà máy ở Trung bộ và 1 nhà máy đặt tại Thái Bình có tổng mức đầu tư khoảng 2.283 triệu USD và 16 dự án kho chứa khí cũng cần tương đương 2.532 triệu USD.
Ông Nguyễn Trung Dân, đại diện PV GAS cho biết, năm 2010, PV GAS đã cung cấp trên 9 tỷ m3 khí cho ngành điện, đạm; cung cấp 1 triệu tấn LPG cho thị trường trong và ngoài nước; cung cấp cho PVOiL và khách hàng khác 260 000 tấn condensade. Đạt doanh thu 2,5 tỷ USD, gấp 10 lần so với năm 2000, chiếm 2,5% GDP Việt Nam, đặc biệt đã tiết kiệm cho ngành điện gần 10 tỷ USD khi sử dụng Khí thay dầu DO. Theo ông Dân, giá khí Việt Nam hiện nay chỉ bằng 25-50% giá khí của thế giới. Giá khí thế giới, giá khí nhập khẩu từ châu Á 12-15 USD/MMBTU trong khi giá khí Việt Nam bán cho các ngành điện, đạm chỉ 4-8USD/MMBTU.
Với tốc độ tăng 4%/năm, giá khí trong nước sẽ khó tiếp cận với giá khí thế giới. Điều này dẫn đến khó khăn cho công tác nhập khẩu khí, công tác thăm dò, khai thác và phát triển các mỏ khí nhỏ, cận biên, thuộc vùng nước sâu xa bờ. Từ thực tế này, ông Nguyễn Trung Dân thay mặt PV Gas kiến nghị các bộ ngành cần trình Chính phủ phê duyệt lộ trình tiếp cận giá khí thế giới vào năm 2014 nhằm đảm bảo khâu nhập khẩu khí; Chính phủ định hướng đưa khí và sản phẩm khí thành nhiên liệu chính trong cơ cấu sử dụng năng lượng trên tất cả các lĩnh vực trên toàn quốc; cho phép PV GAS chủ động về cơ cấu phân phối khí, trong đó ưu tiên khoảng 10-15% lượng khí vào bờ để chế biến sâu; 10-20% lượng khí khô bán cho các hộ tiêu thụ công nghiệp nhằm gia tăng giá trị sử dụng Khí.
Đại diện Vietsovpetro khẳng định: Vietsovpetro hiện có đủ điều kiện và nhân lực, cơ sở kỹ thuật và tài chính để phát triển các dự án Khí. Với tư cách là nhà điều hành hai lô có tiềm năng về Khí là 04-1 và 04-3, VietSovpetro đang tiến hành thẩm lượng, xây dựng mỏ với mục đích có khí đầu tiên vào năm 2013 từ mỏ Thiên Ưng. Để phát triển ngành công nghiệp khai thác Khí, đại diện VietSovpetro đề nghị, trong việc tính toán giá khí, tỷ lệ ăn chia, các loại thuế… Chính phủ, PVN cần có các chính sách phù hợp để nhà thầu yên tâm đầu tư, nhất là đối với các mỏ nhỏ, cận biên, thuộc vùng nước sâu xa bờ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Dương Quang đã nhấn mạnh: Ngành công nghiệp Khí của Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Để công nghiệp khai thác, chế biến và tiêu thụ Khí thành công, các đơn vị được giao trọng trách thăm dò, khai thác, tiêu thụ sản phẩm Khí cần biến tiềm năng thành hàng hóa trên tinh thần năng động về nghiên cứu, hợp tác đầu tư, khắc phục khó khăn để sớm hoàn thành kế hoạch.