Nhập khẩu khí
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí ngày càng tăng và bổ sung nguồn cung cấp khí trong tương lai khi sản lượng khai thác từ nguồn cung trong nước sụt giảm, PV GAS đang triển khai các dự án nhập khẩu LNG như sau:
- Cảng nhập và tái hóa khí LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải (Kho LNG Thị Vải)
Kho cảng LNG Thị Vải với công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm nhập khẩu LNG và cung cấp khí tái hóa cho các hộ tiêu thụ khí với tổng mức đầu tư 285,8 triệu USD; dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong giai đoạn 2019-2020. Khách hàng mục tiêu của dự án là các hộ công nghiệp và các nhà máy điện độc lập tại khu vực Đông Nam Bộ.
- Cảng nhập và tái hóa khí LNG 3-6 triệu tấn/năm tại Sơn Mỹ (Kho LNG Sơn Mỹ)
Đây là dự án thành phần quan trọng của Tổ hợp khí - điện tại Sơn Mỹ, Bình Thuận được triển khai theo 3 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Công suất 3.6 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư khoảng 1.35 tỷ USD, được đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2019-2020.
- Giai đoạn 2: Nâng công suất lên 6 triệu tấn/năm, cấp bù khí cho khu vực Đông Nam Bộ từ năm 2025.
- Giai đoạn 3: Nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm sau năm 2025.
Vận chuyển và phân phối khí:
Kể từ dòng khí đầu tiên vào bờ năm 1995 đến nay, PV GAS đã quản lý và vận hành an toàn, liên tục các hệ thống thu gom, chế biến, vận chuyển và phân phối khí từ các mỏ khí ngoài khơi biển Việt Nam đến các điểm giao nhận khí và sản phẩm khí với khách hàng.
Các bể/ mỏ khí:
- Bể Cửu Long: các mỏ Bạch Hổ, Vòm Bắc, Đồi Mồi, Rạng Đông, Phương Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng, Tê Giác Trắng, Hải Sư Đen, Hải Sư Trắng, Cá Ngừ Vàng..
- Bể Nam Côn Sơn: các mỏ Lan Tây, Lan Đỏ, Rồng Đôi, Rồng Đôi Tây, Dừa, Chim Sáo, Hải Thạch, Mộc Tinh.
- Bể Malay – Thổ Chu: các mỏ PM3-CAA, 46 Cái Nước.
- Bể Sông Hồng: mỏ Hàm Rồng – Thái Bình
Các hệ thống đường ống:
- Hệ thống đường ống Cửu Long: Hệ thống đường ống dẫn khí với tổng chiều dài gần 390 km, công suất thiết kế 2 tỷ m3 khí/năm, nối từ bể Cửu Long vào bờ, xử lý khí tại nhà máy xử lý khí Dinh Cố, đưa khí đến các hộ tiêu thụ tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ, Kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng tại Thị Vải.
- Hệ thống đường ống Nam Côn Sơn: Hệ thống đường ống dẫn khí với tổng chiều dài trên 400 km, công suất thiết kế 7 tỷ m3 khí/năm, nối từ bể Nam Côn Sơn vào bờ, xử lý khí tại nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn, đưa khí đến tiêu thụ tại Phú Mỹ.
- Hệ thống đường ống khí MP3 – Cà Mau: Hệ thống đường ống dẫn khí dài tổng cộng 325 km, công suất thiết kế 2 tỷ m3 khí/năm, nối từ bể Malay – Thổ Chu đến Cà Mau.
- Hệ thống đường ống Thái Bình: Hệ thống đường ống dẫn khí dài 25 km, công suất thiết kế 500 triệu m3 khí/năm, nối từ mỏ Thái Bình đến các hộ tiêu thụ công nghiệp tại Thái Bình và các tỉnh lân cận.
1. Khí khô:
Khí thiên nhiên từ các mỏ thuộc bể Cửu Long, Nam Côn Sơn (mỏ khí tự nhiên) được vận chuyển vào bờ thông qua các hệ thống đường ống khí Cửu Long, Nam Côn Sơn đến các nhà máy xử lý khí Dinh Cố và nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn.
- Khí khô từ nhà máy Dinh Cố tiếp tục được thông qua đường ống đi cung cấp cho các khách hàng tiêu thụ tại Bà Rịa và Phú Mỹ.
- Từ nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn, khí khô sẽ được đưa đến các khách hàng tiêu thụ tại Phú Mỹ, Nhơn Trạch, và Hiệp Phước bằng hệ thống đường ống Nam Côn Sơn.
Khí từ các mỏ PM3-CAA, 46 Cái Nước thuộc bể Malay – Thổ Chu được vận chuyển bằng đường ống khí PM3 tiếp bờ tại Mũi Tràm, sau đó đến Trung tâm phân phối khí Cà Mau và cấp cho các khách hàng tiêu thụ.
Khí thu gom từ mỏ Thái Bình sẽ được chuyển đi cung cấp cho các hộ tiêu thụ khí tại khu công nghiệp Tiền Hải, Thái Bình và các hộ tiêu thụ khí khác tại các tỉnh lân cận. Thời gian dự kiến đi vào hoạt động là quý III/2015.
2. LPG (Liquefied Petrolium Gas – Khí dầu mỏ hóa lỏng):
Khí đồng hành từ các mỏ thuộc bể Cửu Long được vận chuyển vào bờ thông qua các hệ thống đường ống khí Cửu Long đến nhà máy xử lý khí Dinh Cố. Từ đây, LPG tiếp tục được thông qua đường ống đến kho cảng Thị Vải được tồn trữ trong các bồn chứa, và được xuất bán cho khách hàng bằng tàu hoặc xe bồn.
Ngoài ra, PV GAS còn mua LPG từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhập khẩu từ nước ngoài (Trung Đông và các nước lân cận như Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Singapore, Indonesia..), tồn chứa tại hệ thống kho chứa LPG tại 3 miền Bắc, Trung, Nam và xuất bán cho các công ty kinh doanh LPG bằng tàu hoặc xe bồn.
3. Condensate:
- Khí từ bể Cửu Long được xử lý tại nhà máy xử lý khí Dinh Cố cho ra Condensate để cung cấp cho thị trường phục vụ việc chế biến xăng và dung môi.
- Condensate được chế biến tại nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn sẽ được vận chuyển đến Kho cảng Thị Vải, tàng trữ trong các bồn chứa và xuất lên tàu.
4. CNG (Compressed Natural Gas – Khí thiên nhiên nén):
CNG là khí khô được đưa vào máy nén khí để tăng áp và tồn chứa trong các bồn chứa chuyên dụng ở điều kiện áp suất có thể lên đến 250 bar, được vận chuyển bằng xe bồn/ xe đầu kéo đến cung cấp cho các khách hàng công nghiệp ở xa hệ thống đường ống. Hiện nay, công ty CNG Việt Nam, công ty thành viên của PVGAS South, là công ty duy nhất tại Việt nam trực tiếp sản xuất CNG, cung cấp cho các hộ tiêu thụ khí tại khu vực Đông Nam Bộ.
5. LNG (Liquefied Natural Gas – Khí thiên nhiên hóa lỏng):
LNG sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam từ các dự án LNG cũng như từ nhà kinh doanh LNG nước ngoài bằng các tàu LNG thông qua 2 cảng nhập và tái hóa khí Thị Vải và Sơn Mỹ. Tại 2 cảng nhập và tái hóa khí này, LNG sẽ được tồn trữ trong các bồn chứa và tái hóa khí trước khi đưa vào hệ thống đường ống dẫn đến khách hàng tiêu thụ.
Khí tái hóa từ kho cảng Thị Vải sẽ được vận chuyển bằng hệ thống đường ống Thị Vải – Phú Mỹ đến cho các hộ công nghiệp và các nhà máy điện độc lập tại khu vực Đông Nam Bộ.
Từ kho cảng Sơn Mỹ, khí tái hóa sẽ theo đường ống cung cấp cho 2 nhà máy điện là Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2.
Bên cạnh đó, hiện nay PVGAS đang hợp tác với Gazprom để triển khai dự án sản xuất LNG quy mô nhỏ (Small Scale LNG) phục vụ cho lĩnh vực giao thông vận tải và có thể cung cấp cho khách hàng công nghiệp.