Xung quanh việc thưởng Tết: Bài toán giữ lao động
Theo Tiến sỹ Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), dịp cuối năm, doanh nghiệp nào thực hiện đầy đủ các chế độ phúc lợi về lương, thưởng cho người lao động sẽ giữ chân được lao động có tay nghề và ngược lại.
Hiện vẫn chưa có cơ chế bắt buộc về pháp luật đối với các doanh nghiệp trong việc thưởng Tết cho người lao động. Chủ yếu thưởng Tết được trả theo nguyên tắc, lợi nhuận cao thì thưởng cao, lợi nhuận thấp thưởng thấp, tùy từng công ty, tùy từng loại hình doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện Nhà nước mới chỉ ban hành chính sách hỗ trợ cho những lao động bị nợ lương do doanh nghiệp phá sản. Ở những doanh nghiệp vẫn còn đang hoạt động nhưng èo uột, cầm chừng thì đó lại là thoả thuận giữa hai phía.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Điều, tiền thưởng có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là với người lao động. Theo các thống kê năm 2011, có hơn 90% các cuộc đình công liên quan tới tiền lương, thưởng.
Cũng theo ông Điều vào dịp cuối năm cũng là thời điểm các cuộc đình công tăng cao hơn, xu hướng "nhảy” việc, chuyển việc nhiều hơn, nên doanh nghiệp nào thực hiện đầy đủ các chế độ phúc lợi về lương, thưởng cho người lao động sẽ giữ chân được lao động có tay nghề và ngược lại.
Về vấn đề trả lương, thưởng Tết bằng sản phẩm, trao đổi với báo chí ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho rằng, trong Luật lao động chỉ quy định về các khoản lương thưởng tính bằng tiền mặt, không có điều khoản nào nói về việc doanh nghiệp có thể trả sản phẩm thay cho tiền.
Cũng theo ông Huân, tuy luật không cấm nhưng cũng không khuyến khích. Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, không có tiền để trả người lao động, việc trả thay bằng sản phẩm phải có sự đồng ý của bên nhận. (Đại Đoàn Kết 15/12)