Xu hướng sử dụng gas trung tâm ở chung cư
Tại các tòa nhà cao tầng lắp đặt hệ thống gas trung tâm, người dân không phải gọi gas và dài cổ chờ đợi công nhân vác bình leo hàng trăm bậc thang bộ, gas cung cấp 24/24 và đến tháng họ mở đồng hồ thanh toán tiền gas như thanh toán tiền nước, tiền điện.
Chị Nguyễn Thị Bạch Dương ở phòng 1305 tòa nhà B11 khu Nam Trung Yên thẫn thờ nhìn nồi canh đang nấu dở thì hết gas. Chị bảo: “Gọi gas ở nhà cao tầng khổ lắm, các đại lý rất ngại mang vì bảo vệ không cho đi thang máy, họ không muốn phải leo, lần nào cũng phải trả thêm tiền cho nhân viên mang gas, 10.000 đấy”.
Chỉ cách khu B11 của chị Dương vài trăm mét, tại khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, gần 3.000 hộ dân trong khu dân cư này gần chục năm nay chưa phải một lần gọi gas, không lo hết gas giữa chừng bởi đây là khu nhà sử dụng hệ thống cấp gas trung tâm.
Chị Bùi Thu Loan ở phòng 1202, nhà 18T1 chỉ vào đồng hồ gas nói: “Tôi đọc báo nhiều thấy bình gas bị cắt tai, mài vỏ nên thấy sợ quá, dùng gas trung tâm thế này an toàn hơn. Tuy nhiên, so với một số hãng ngoài thị trường, gas trung tâm đắt hơn đôi chút”.
Về độ an toàn của hệ thống gas, kỹ sư Nguyễn Hữu Viện, Giám đốc công ty cổ phần dầu khí Sông Hồng, giải thích: “Với hệ thống gas trung tâm, áp suất trong đường ống nhỏ hơn vài chục lần so với áp suất trong bình chứa gas người dân mua ngoài thị trường. Thêm vào đó, tất cả hệ thống gas trung tâm đều có các van an toàn, hệ thống tự ngắt nên người dân có thể hoàn toàn an tâm có các đường ống cấp gas đến gia đình”.
Ông Thái Ngọc Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh, công ty Tân An Bình, cho biết từ năm 2000, khi xây dựng khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Tân An Bình và công ty Vinaconex, chủ đầu tư khu đô thị đã bắt tay nhau để lần đầu tiên áp dụng hệ thống gas trung tâm vào tòa chung cư cao tầng. Phía Tân An Bình đã bỏ nhiều công sức sang tận Đức để khảo sát, tìm đối tác chuyển giao công nghệ cung cấp gas trung tâm. Đơn vị cung cấp gas bỏ ra gần 40 tỉ đồng tại thời điểm đó để làm hạ tầng như bồn chứa, hệ thống kiểm soát an toàn, đường ống dẫn gas đến chân tòa nhà.
“Với mức đầu tư như vậy, chúng tôi phải mất 25 năm mới thu hồi vốn. Tuy nhiên, đây là cách đầu tư lâu dài, qua gần 10 năm vận hành, khai thác, chúng tôi chưa gặp sự cố nào. Đây là cơ sở để công ty nhân rộng ra các khu chung cư, khu đô thị mới khác”.
Một vấn đề nảy sinh là khi người dân đã dùng gas trung tâm thì coi như phải trung thành với một nhà cung cấp trong toàn bộ thời gian sinh sống tại khu nhà. Chị Hoàng Thị Minh ở tòa nhà 18T2 phân tích: “Nhiều khi so sánh giá gas chúng tôi dùng với gas ngoài thị trường thì thấy có chỗ đắt hơn, có chỗ rẻ hơn. Nhưng dù đắt hay rẻ, chúng tôi cũng không thể không dùng vì chỉ có một nhà cung cấp”.
Về tính “độc quyền” này, ông Sơn giải thích: Chúng tôi lấy giá trung bình của ba hãng gas lớn tại Hà Nội để làm căn cứ tính giá gas cho các hộ dân. Do đó, có thể giá gas chúng tôi đưa ra đắt hơn một số hãng nhưng cũng có thể rẻ hơn một số hãng khác. Đôi lúc, do người dân mới dùng gas trung tâm thấy phải chi nhiều tiền gas hơn bình thường nên họ tưởng mua gas với giá đắt. Tuy nhiên, sau đó họ cũng hiểu ra vì họ đun nước nóng bằng gas, nên tiền gas có thể tăng đôi chút nhưng tiền điện lại giảm đi vì họ không phải dùng bình nóng lạnh”.(Thanh Niên 21/12)