Xếp hạng các ngành xuất khẩu hàng đầu Hàn Quốc: Đóng tàu, hóa dầu vươn lên
Vượt qua những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Hàn Quốc như chất bán dẫn, điện thoại di động hay sản phẩm công nghệ thông tin, công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc đã vươn lên chiếm vị trí số 1 còn hóa dầu đứng thứ 4 trong cơ cấu xuất khẩu.
Thay đổi ngôi thứ
Theo báo cáo xuất khẩu thì tính tới tháng 7 năm nay, ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc đã đạt giá trị xuất khẩu 36,1 tỉ USD, trở thành mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, vượt trên cả chất bán dẫn. Bên cạnh đó, giá thành của các sản phẩm từ dầu mỏ cũng tăng rất mạnh, đưa ngành công nghiệp này trở thành ngành xuất khẩu thứ 4 của Hàn Quốc.
Ngược lại, giá các vật liệu bán dẫn đang có xu hướng giảm khiến ngành công nghiệp này tăng trưởng âm kể từ tháng 4 vừa qua và tụt hạng xuống vị trí thứ 5. Các nhà sản xuất thiết bị truyền thông và công nghệ thông tin cũng gặp tình trạng tương tự khi hạ từ vị trí thứ 6 xuống vị trí thứ 8.
Tiến sĩ Lee Geun-tae, Viện nghiên cứu kinh tế LG cho biết, sở dĩ có đóng tàu và dầu thô đạt được thứ hạng trên vì một loạt các đơn đặt hàng đóng tàu từ năm 2007 và 2008 đã được hoàn thành, đang được chuyển tới khách hàng, góp phần quan trọng nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu của ngành này.
Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ tăng do giá dầu thô tăng. Ngành sản xuất chất bán dẫn tụt hạng do các đối thủ của Hàn Quốc trong lĩnh vực này đã và đang nỗ lực cải thiện khả năng cung ứng, đồng thời tung hàng loạt sản phẩm mới có sức cạnh tranh ra thị trường thế giới dẫn tới giá trị và sản lượng xuất khẩu ngành này của Hàn Quốc giảm.
Động lực cho kinh tế
Kể từ những năm 1960, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc đã có nhiều sự thay đổi. Trong những năm 60, các sản phẩm nông, ngư nghiệp chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị xuất khẩu trong khi ngành dệt và hàng may mặc chiếm 1/3.
Nhưng trong những năm 2000, giá trị xuất khẩu của ngành may mặc đã giảm xuống chỉ còn khoảng 2% trong khi công nghiệp đóng tàu và sản phẩm điện tử chiếm quá nửa tổng giá trị xuất khẩu. Tỉ lệ các sản phẩm nông, ngư nghiệp và gia súc giảm dần từ 25% năm 1960 xuống 9% vào những năm 2000. Trong khi đó, các sản phẩm điện, điện tử tăng từ 7% những năm 1960 lên 18% trong những năm 2000.
Một bản thống kê thương mại của Liên hợp quốc cho thấy, xuất khẩu của Hàn Quốc đã thay đổi 84% từ những năm 1960 đến những năm 2000, là nước thay đổi nhiều nhất trong số 97 quốc gia được điều tra. Mặc dù vậy, từ năm 2000 đến nay, sự thay đổi trong giao dịch thương mại quốc tế không hoàn toàn có lợi đối với các nhà xuất khẩu Hàn Quốc. Đặc biệt, những biến động gần đây khiến viễn cảnh xuất khẩu từ giờ đến cuối năm của Hàn Quốc không mấy sáng sủa.
Cần lựa chọn chính sách phù hợp
Trên thực tế, chính giá nguyên vật liệu và giá dầu tăng, nhiều đơn hàng đóng tàu hoàn thành là nhân tố đẩy giá trị sản phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc lên cao, từ đó dẫn đến tỉ lệ tăng xuất khẩu đạt tới 30% trong nửa đầu năm nay. Hơn nữa, trận động đất tại Nhật Bản đã khiến quốc gia này buộc phải ký thêm một số đơn đặt hàng với Hàn Quốc.
Nhưng đây chỉ là các nhân tố tạm thời và có thể sẽ không còn trong những tháng cuối năm. Mối đe dọa lớn nhất đối với xuất khẩu của Hàn Quốc là kinh tế toàn cầu đang phát triển chậm lại. Sự rớt hạng tín nhiệm của Mỹ và các vấn đề tài chính ở châu Âu có thể gián tiếp gây bất lợi cho xuất khẩu của Hàn Quốc.
Theo các chuyên gia, để tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu, Hàn Quốc cần lựa chọn chính sách sản xuất tập trung và có chọn lọc. Bên cạnh đó, tiếp tục thâm nhập vào các thị trường mang lại lợi nhuận cao như hóa học, y tế, máy móc và chế tạo máy. Chính phủ cũng cần chú trọng mở rộng ra các lĩnh vực công nghiệp tiềm năng trong tương lai, tạo thời cơ và môi trường kinh doanh tiềm năng. (Giao thông Vận tải 27/10, Mục Quốc tế, Tác giả Vũ Trúc Lâm)