Xây dựng chiến lược đào tạo, trọng dụng nhân tài phải gắn với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước
Ngày 6-9, tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước: "Cơ sở lý luận và thực tiễn của Chiến lược quốc gia về nhân tài thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước" phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tổ chức hội thảo khoa học "Công tác đào tạo nhân tài ở Việt Nam và một số vấn đề về lý luận, thực tiễn". Ðồng chí Hồ Ðức Việt, nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ nhiệm đề tài đã chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Ðảng: Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Ðồng chí Phùng Ðình Thực, Phó Bí thư Ðảng ủy, Quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc PVN và đông đảo các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các ban Ðảng ở Trung ương; các bộ, ngành dự.
Báo cáo đề dẫn của đồng chí Hồ Ðức Việt và gần 40 báo cáo khoa học được gửi đến; một số được trình bày tại hội thảo đã nêu rõ hơn những quan điểm; khái niệm khoa học về công tác đào tạo nhân tài. Trong đó nhấn mạnh nhân tài là những người có năng lực tư duy xuất sắc, vượt trội; có năng lực sáng tạo lớn, có đóng góp trong tổ chức hoạt động thực tiễn. Các báo cáo khoa học đã tập trung nêu bật truyền thống trọng dụng nhân tài của dân tộc ta mà tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài là sự kết tinh đúng đắn, sáng tạo truyền thống dân tộc.
Các báo cáo đề cập tình hình, kết quả đã đạt được; những yếu kém, bất cập cần khắc phục trong toàn bộ các khâu của công tác đào tạo nhân tài đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước. Bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, các báo cáo khoa học cũng như ý kiến phát biểu tại hội thảo đều nêu kiến nghị Ðảng và Nhà nước ta cần xây dựng chiến lược quốc gia, quy hoạch, kế hoạch phát triển và trọng dụng nhân tài gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; gắn với quá trình đổi mới, căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân. Chiến lược quốc gia về công tác đào tạo nhân tài cần nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, nhất là những giải pháp mang tính đột phá cần được thực hiện từ nay đến năm 2020, trước hết là các giải pháp để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nhân tài. (Nhân Dân 7/9, tr3+8, Tác giả PV; Hà Nội Mới 7/9, tr2; Tuổi Trẻ 7/9, tr3)