Việt Nam sẽ tham gia đường ống dẫn khí xuyên Á
Nhân Hội nghị và triển lãm CN khí khu vực Tây Thái Bình Dương (GASEX 2008) lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội do Việt Nam đăng cai tổ chức, Phóng viên báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Khang Ninh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) - đơn vị trực tiếp tổ chức sự kiện quan trọng này về vấn đề đang rất "nóng": cán cân cung - cầu năng lượng khí.
PV: Trong bối cảnh giá năng lượng đang thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới, Hội nghị GASEX 2008 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam chắc hẳn cũng không nằm ngoài những mối quan tâm chung, thưa ông?
Ông Đỗ Khang Ninh: Đúng vậy, 18 năm liên tục kể từ năm 1990, GASEX luôn khẳng định là diễn đàn uy tín hàng đầu khu vực Tây Thái Bình Dương. Diễn đàn lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam hướng vào các chủ đề mang tính toàn cầu như cung - cầu khí trên toàn cầu và từng quốc gia; kinh doanh khí thiên nhiên; công nghệ khí thiên nhiên và kỹ năng quản lý...
Trong bối cảnh giá dầu mỏ luôn đứng ở mức cao, giá khí những năm gần đây cũng được định theo giá dầu. Vì vậy, nguồn khí đốt cũng đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới. Việt Nam kể từ khi khai thác khí đồng hành, đến nay đã đưa vào bờ trên 30 tỉ mét khối khí khô phục vụ cho phát điện, sản xuất khí hoá lỏng (LPG), phân đạm và condensate.
Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu phải nhập khẩu khí, và theo tính toán, từ năm 2012, VN sẽ phải nhập khẩu cỡ 4-5 tỉ mét khối khí/năm để đáp ứng nhu cầu trong nước. PetroVietnam và Tổng Công ty Khí Việt Nam đang gấp rút tìm kiếm các cơ hội đàm phán việc nhập khẩu khí, chuẩn bị cho những giai đoạn tiếp theo.
PV: Tiềm năng khí của Việt Nam - đặc biệt khí thiên nhiên, theo các đánh giá trước đây - được xem là khá dồi dào. Tuy nhiên, trong quá trình cân đối cung - cầu thời gian gần đây, thực tế đã cho thấy nguồn khí sẽ không đủ cho nhu cầu sử dụng. Vậy trong tương lai, cân đối cung - cầu khí của VN ra sao, thưa ông?
Ông Đỗ Khang Ninh: So với các nước trong khu vực, tiềm năng khí đốt của Việt Nam không phải dồi dào. Hiện nay, khí đồng hành được khai thác chủ yếu ở khu vực bể Cửu Long, khí thiên nhiên khai thác ở bể Nam Côn Sơn. Nếu cân đối với nhu cầu tiêu thụ hàng tỉ mét khối/năm, thì trong khoảng 5-10 năm tới, nguồn khí trong nước sẽ thiếu hụt và phải nhập khẩu.
Tại hội nghị Gasex lần này, một trong những mục tiêu PetroVietnam đặt ra là tìm các bạn hàng lớn có thể cung cấp nguồn cân đối dài hạn để đáp ứng cung - cầu trong thời gian tới. Tuy nhiên, các đối tác đàm phán đều yêu cầu giá nhập khẩu rất cao, khoảng trên dưới 20USD/triệu BTU, trong khi giá PetroVietnam đang bán để sản xuất điện chỉ khoảng 3-4USD/triệu BTU.
Vì vậy trước mắt, PV Gas mới đàm phán được với các đối tác để nhập khẩu khí hoá lỏng (LPG) nhằm cung ứng 65% nhu cầu nội địa, phục vụ dân sinh. Chúng tôi cũng đã ký hợp tác với Công ty Sinopec (Trung Quốc) xây dựng tổ hợp năng lượng sạch ở Nghi Sơn (Thanh Hoá). Tổ hợp dự định sẽ xây kho chứa LNG (khí hoá lỏng ở nhiệt độ thấp), trước mắt phục vụ gas cho các khu đô thị và khu công nghiệp.
PV: PetroVietnam đã tính đến việc hợp tác khu vực như tham gia xây dựng đường ống dẫn khí xuyên Á để đảm bảo an ninh năng lượng khí?
Ông Đỗ Khang Ninh: Đây cũng chính là một vấn đề quan trọng sẽ đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần này. Ý định đã có từ lâu, tuy nhiên dự án vẫn đang được các nước nghiên cứu, bàn thảo và còn phải trao đổi rất lâu.
Dự án mà PetroVietnam đang xúc tiến là sẽ hình thành mạng đường ống dẫn khí trong nội bộ, kết nối từ đông sang tây. Khu vực phía đông sẽ kết nối các mỏ khí đồng hành thuộc bể Cửu Long (khu vực Vũng Tàu) và khí thiên nhiên tại bể Nam Côn Sơn, khu vực phía tây là các mỏ khí tại Cà Mau, khu vực Tây Nam. Như vậy trong tương lai, việc hình thành mạng đường ống dẫn khí này sẽ giúp cân bằng khí giữa 2 khu vực, thuận tiện cho việc trao đổi khí với nhu cầu sử dụng.
PV: Xin cảm ơn ông!