Vấn nạn gas giả
Sau thông tin về vụ nổ bình gas ở Hà Nội gây chết người khiến nhiều người lo lắng, các công ty gas có uy tín đã tăng cường biện pháp chống hàng giả và liên tục đưa ra khuyến cáo cho người sử dụng.
Trước đây, chị Phạm Thị Tuyết Sương, quận Tân Bình, Thành Phố Hồ Chí Minh ít quan tâm đến chất lượng, cân nặng hay độ an toàn của bình gas. Nhưng bây giờ, chị đặc biệt chú ý tới từng chi tiết của bình gas cũng như cách sử dụng. Mặc dù vậy, tâm trạng của chị cũng giống như nhiều bà nội trợ hiện nay là vừa dùng vừa sợ.
“Tôi vừa mua bếp tốt có khóa gas tự động, nhưng tôi vẫn phải khóa gas như thường bởi nhiều khi vòi rò rỉ gas", chị Phạm Thị Tuyết Sương cho biết.
Theo cửa hàng bán gas Trường Sơn trên đường Cách mạng tháng Tám, quận Tân Bình, kinh doanh gas trôi nổi vừa dễ, vừa nhiều lợi nhuận và điều này gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
"Làm hàng trôi nổi bên ngoài lợi nhuận cao như thiếu cân nặng, giá gas thấp hơn chính hãng", anh Nguyễn Hữu Nguyễn, đại lý gas Trường Sơn, Phường 13, quận 10, Thành Phố Hồ Chí Minh nói.
Còn theo công ty Sài Gon Petro - đơn vị chiếm thị phần gas dân dụng lớn nhất hiện nay tại Thành Phố Hồ Chí Minh, gas giả đang là vấn nạn đau đầu của các công ty gas. Người tiêu dùng không thể phân biệt được gas thật hay giả do hàng giả được làm rất tinh vi. Việc để gas giả tung hoành thị trường như hiện nay, trách nhiệm chính thuộc cơ quan chức năng.
“Vấn đề chống được hay không phụ thuộc chính vào cơ quan chức năng. Hiện nay đã có Nghị định 107 nhưng việc thực hiện, kiểm tra kiểm soát các trạm sang chiết lậu vẫn chưa được thực hiện tốt, do đó, tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan. Nguồn gas chiết nạp lậu này chủ yếu ở vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Long An vì cho ra quá nhiều trạm chiết nạp mà không kiểm soát được, sau đó hàng được đưa vào Thành Phố Hồ Chí Minh", bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Tổng Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dầu khí Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết. (VTV 15/11, Mục Thị trường, Tác giả Kim Dung)