Vì sao nhà máy lọc dầu Dung Quất nhiều lần tạm dừng?
Chính thức cho ra mẻ dầu đầu tiên từ cuối tháng 2.2009, chỉ trong vòng 2,5 năm đưa vào vận hành, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã liên tục phải tạm dừng vì sự cố, dừng để tổng kiểm tra thiết bị và đầu tháng 7.2011 sẽ tạm dừng hoạt động trong thời gian dài suốt hai tháng để bảo dưỡng tổng thể lần đầu công trình trọng điểm dầu khí quốc gia này. Điều đó khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng công trình này.
Chiều 19.4, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Hoài Giang, tổng giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn lọc - hóa dầu Bình Sơn xung quanh về vấn đề này.
Thưa ông, vì sao nhà máy lọc dầu Dung Quất vừa mới đưa vào hoạt động đã phải tạm dừng nhiều lần, đặc biệt tới đây phải dừng gần hai tháng?
Tính từ khi nhà máy chính cho ra mẻ dầu đầu tiên vào cuối tháng 2.2009 đến đầu tháng 3.2011, nhà máy đã tạm dừng ba lần trong thời gian dài vì sự cố hỏng van, mất điện và chủ động dừng tổng kiểm tra thiết bị để chuẩn bị bảo dưỡng tổng thể lần đầu từ đầu tháng 7 tới.
Cụ thể: Tạm dừng nhà máy do sự cố hỏng van từ ngày 18.8.2009 đến ngày 1.10.2009 mới vận hành 100% công suất trở lại; sự cố mất điện phải dừng từ ngày 28.3.2010 đến ngày 7.4.2010 mới vận hành 100% công suất trở lại và mới đây ngày 23.3.2011 phải dừng để dừng tổng kiểm tra thiết bị để “đuổi kịp” tiến độ bảo dưỡng tổng thể nhà máy từ tháng 7 đến tháng 9 tới và đã khởi động vận hành 100% công suất trở lại từ ngày 2.4 vừa qua.
Theo điều khoản hợp đồng với Tổ hợp nhà thầu Technip, sau hai năm vận hành (kể từ khi nhà máy cho ra dòng sản phẩm đầu tiên 22.2.2009), nhà máy cần được kiểm tra, đánh giá tình trạng của từng phân xưởng công nghệ để có sự bảo dưỡng, thay thế thiết bị phù hợp. Theo thông lệ đối với hầu hết các nhà máy lọc dầu trên thế giới, sau lần bảo dưỡng tổng thể đầu tiên thì chu kỳ bốn năm vận hành buộc phải bảo dưỡng tổng thể một lần để đảm bảo an toàn cho nhà máy.
Theo tôi, nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình dầu khí qui mô lớn đầu tiên của Việt Nam có công nghệ hiện đại, phức tạp nên trong những năm đầu xảy ra sự cố là chuyện bình thường. Do vậy điều cốt yếu là phối hợp chặt chẽ cùng các nhà thầu, chuyên gia nước ngoài để nhanh chóng tháo gỡ, khắc phục sự cố để giảm thiểu thiệt hại cho kinh tế đất nước mới là điều quan trọng.
Ông có thể cho biết công tác chuẩn bị bảo dưỡng tổng thể nhà máy đã được thực hiện đến đâu?
Để đảm bảo tiến độ bảo dưỡng tổng thể, công ty Trách nhiệm hữu hạn lọc hóa dầu Bình Sơn đã tạm dừng hoạt động từ ngày 23.3 đến ngày 2.4 để tổng kiểm tra thiết bị tại 14 phân xưởng công nghệ nhà máy lọc dầu Dung Quất. Qua kiểm Các chuyên gia, kỹ sư chỉ phát hiện những lỗi nhỏ tại các phân xưởng, không ảnh hưởng đến quá trình vận hành sản xuất của công trình. Tuy nhiên, để đảm bảo vận hành nhà máy an toàn lâu dài, hiện tại, công ty đã đặt hàng tại các nước châu Âu, Ấn Độ, Mexico…để sản xuất linh kiện, phụ tùng thiết bị thay thế (nếu có hỏng hóc) tại 14 phân xưởng trong thời gian bảo dưỡng tổng thể.
Công ty cũng đã ký với nhà thầu Hàn Quốc bảo dưỡng lần đầu năm gói thầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất trị giá 25 triệu USD (chưa bao gồm đặt hàng thiết bị thay thế). Hiện số thiết bị, phụ tùng thay thế còn đang trong quá trình sản xuất ở nước ngoài nên chưa thể ước tính số tiền là bao nhiêu (vì dựa theo giá cả thị trường lúc tiếp nhận sản phẩm đưa về Việt Nam). Đầu tháng 5 tới, các chuyên gia nước ngoài sẽ đến Việt Nam bắt đầu khảo sát sơ bộ chuẩn bị cho công tác bảo dưỡng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thời gian bảo dưỡng nhà máy được thực hiện trong hai tháng, dự kiến bắt đầu từ giữa tháng 7 tới. Khoảng 2.000 chuyên gia, kỹ sư, công nhân trong và ngoài nước tham gia quá trình bảo dưỡng.
Vậy, các khoản tiền dùng để bảo dưỡng tổng thể lần đầu nhà máy lấy từ nguồn nào, thưa ông?
Số tiền này được hạch toán, trích ra từ doanh thu sản xuất, kinh doanh dùng để bảo dưỡng tổng thể nhà máy. Việc dừng nhà máy để tổng kiểm tra thiết bị nhà máy trong 10 ngày qua là hết sức cần thiết để sẵn sàng cho phương án bảo dưỡng tổng thể là bình thường đúng như kế hoạch chứ không có gì là bất thường. Bởi lẽ, thơì gian đặt hàng sản xuất phụ tùng, thiết bị thay thế ở nước ngoài mất thời gian vài tháng mới xong. Nếu để đến khi vào cuộc bảo dưỡng mới kiểm tra, phát hiện thiết bị hỏng hóc thì đặt hàng sản xuất ở nước ngoài e không kịp, sẽ kéo dài thời gian dừng hoạt động bảo dưỡng cho nhà máy.
Vì sao đến nay hãng Hàng không quốc gia Việt Nam vẫn chưa mua xăng máy bay Jet A1 do nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất?
Do phải đợi ý kiến của 4 nhà chế tạo động cơ máy bay nước ngoài, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) tính đến chiều 19.4 vẫn chưa sử dụng xăng máy bay sản xuất từ nhà máy lọc dầu Dung Quất. Hiện tại, tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Vietnam Airlines đã đạt được các thỏa thuận tiêu thụ xăng máy bay Dung Quất. Vấn đề còn lại chỉ là chờ Vietnam Airlines lấy ý kiến của 4 nhà sản xuất động cơ máy bay, trong đó 2 đã có ý kiến. Vietnam Airlines sớm sử dụng xăng máy bay trong nước không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu mà còn chủ động trong việc vận chuyển, giảm chi phí kho cảng so với khi nhập khẩu.
Đáp ứng tất cả tiêu chuẩn nội địa và quốc tế, xăng máy bay Jet A1 do nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất đã cung ứng nhiên liệu và thực hiện thành công hơn 100 chuyến bay trực thăng đưa đón chuyên gia, kỹ sư và công nhân ra giàn khoan dầu khí ở Vũng Tàu trong nhiều tháng qua. Từ tháng 8/2010 đến nay, nhà máy đã sản xuất khoảng 200.000 tấn xăng máy bay, trong đó xuất bán cho tập đoàn BP (Anh) chừng 10.000m3, số còn lại bán cho tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo kế hoạch của Công ty Trách nhiệm hữu hạn lọc - hóa dầu Bình Sơn, năm 2011, nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ sản xuất khoảng 400.000 m3 xăng máy bay, đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng trong nước. Với ước 300 chuyến bay khai thác mỗi ngày, Vietnam Airlines có nhu cầu rất lớn đối với nhiên liệu Jet A1. (Sài Gòn Tiếp Thị 19/4, Mục Kinh tế, Tác giả Minh Đức)