Tự túc dầu khí khiến Mỹ bỏ vai trò “sen đầm quốc tế”?
Một khi không còn cần đến dầu lửa vùng Vịnh nữa, Mỹ có thể sẽ từ bỏ vai trò cảnh sát biển quốc tế và điều này lại có thể gây phiền toái cho Trung Quốc.
Mỹ từ nhập khẩu biến thành thặng dư khí đốt
Cách mạng khí đá phiến rất có thể sẽ làm thay đổi diện mạo năng lượng trên toàn cầu. Với trữ lượng dồi dào và chi phí sản xuất rẻ, khí đá phiến ở Mỹ có thể thay thế cho nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu .
Trong bài viết “Một thế cân bằng địa chính trị mới”, Financial Times nhận định Mỹ có thể sẽ từ bỏ vai trò cảnh sát biển quốc tế và điều này lại có thể gây phiền toái cho Trung Quốc.
Theo học thuyết quân sự của Carter vào năm 1980, Hoa Kỳ có thể sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của mình tại vùng Vịnh. Và học thuyết này đã được Mỹ áp dụng từ nhiều thập niên nay, nhằm bảo vệ con đường hàng hải huyết mạch nối liền các nước dầu hỏa vùng Vịnh với phần còn lại của thế giới.
Nhưng giờ đây, chính sách này đang dần thay đổi. Các cuộc chiến “hao người, tốn của” ở Afghanistan và Iraq trước đó, khủng hoảng tài chính năm 2008, suy thoái và thâm hụt ngân sách ngày càng nghiêm trọng… khiến Washington quay về với thực tại. Công luận Mỹ ngày càng ít hào hứng với một chính sách đối ngoại theo kiểu gây hấn.
Theo phân tích của Financial Times, nhờ vào việc sử dụng rộng rãi công nghệ mới khai thác khí đá phiến, nước Mỹ từ chỗ thâm hụt trở thành thặng dư khí đốt. Hiện tại, Mỹ là quốc gia có sản lượng dầu khí tăng nhanh nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, Mỹ còn phát triển dự án khai thác dầu ở vùng nước sâu tại vùng vịnh Mêhicô và gia tăng việc sản xuất khí đá dầu. Nếu kể thêm việc khai thác cát chứa dầu tại Canada, khu vực Bắc Mỹ đã có thể hoàn toàn tự cung cấp về dầu khí. Như vậy, điều này có lẽ làm biến đổi hoàn toàn vai trò mà Mỹ đang nắm giữ trên thế giới.
Vấn đề nan giải của Trung Quốc
Financial Times nhận định trong khi Mỹ ngày càng bớt lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu bên ngoài, thì ngược lại nhu cầu của Trung Quốc ngày càng tăng. Hiện tại, hơn 50% lượng dầu hỏa tiêu thụ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nhập từ Trung Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc ngày càng phải đối mặt với những bất ổn trong vùng Vịnh.
Ông John Mitchell, chuyên gia về các vấn đề năng lượng cho Chatham House, một hội tham vấn của Vương quốc Anh, giải thích: “Do phần lớn lượng dầu vận chuyển qua eo biển Hormuz là cung cấp cho châu Á, việc đảm bảo an ninh cho nguồn cung cấp không còn liên quan nhiều đến Mỹ nữa. Giờ đây, đó sẽ là vấn đề của riêng châu Á”.
Như vậy, nếu Mỹ không còn giữ vai trò sen đầm quốc tế nữa, vậy thì ai sẽ đảm nhận? Phải chăng là Trung Quốc?
Financial Times trích dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng để đảm nhận vai trò này. Nếu so sánh về mặt tương quan lực lượng, năng lực của Hải quân Trung Quốc vẫn còn lâu mới bằng Hải quân Mỹ. Mỹ hiện có 11 tàu sân bay, trong khi đó Trung Quốc chỉ mới có một và vừa được biên chế hồi tháng 9/2012.
Một số chuyên gia khác còn cho rằng vấn đề đảm bảo an ninh hàng hải cũng có thể trở thành một thứ để trao đổi trong quan hệ Trung-Mỹ. Theo ông John Mitchell, trong trường hợp một khủng hoảng mới xảy ra tại vùng Vịnh, Washington có thể sẽ chấp nhận bảo đảm an ninh hàng hải, với điều kiện Bắc Kinh phải có một số nhượng bộ. Mỹ có thể yêu cầu Trung Quốc phải có thái độ đúng đắn trong các vụ tranh chấp lãnh thổ với các nước đồng minh của Mỹ tại Đông Á như Đài Loan, Nhật Bản và Philippines.
Thế nhưng, cũng có nhiều chuyên gia loại bỏ khả năng Mỹ rút quân khỏi vùng Vịnh. Ông David Goldwyn, giám đốc Văn phòng tư vấn Goldwyn Global Strategies, cho rằng mặc dù lượng dầu nhập khẩu có thể giảm nhiều, nhưng Mỹ vẫn có thể bị chao đảo, nếu giá dầu thô bùng phát. Và hiện vẫn chưa có nguồn nhiên liệu nào có thể thay thế dễ dàng xăng dầu trong ngành giao thông vận tải. Vì vậy, Mỹ vẫn phải tiếp tục duy trì sự hiện diện tại Trung Đông và vẫn phải tiếp tục bảo vệ các tuyến đường hàng hải chiến lược như eo biển Hormuz.
Financial Times trích kết luận của ông Ed Morse, phụ trách nghiên cứu về nguyên liệu cho Citigroup, cho rằng “trong một thế giới luôn phải đối mặt với nạn khủng bố và cuộc chiến Internet, biên giới của Mỹ vẫn là toàn cầu”. (Đất Việt Online 10/12, mục Thế giới, tác giả Minh Châu)