Truân chuyên lọc hóa dầu
Thông tin về siêu dự án lọc hóa dầu có quy mô vốn lên tới 28,7 tỷ USD đang gây ra dư luận trái chiều những ngày gần đây. Nhìn vào thực tế các dự án lọc hóa dầu đang triển khai ở Việt Nam, có thể thấy, cơ hội để siêu dự án lọc hóa dầu này trở thành hiện thực là không lớn.
Cuối tháng 10/2012, Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có quy mô 10 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm với số vốn khoảng 8 tỷ USD đã nhận được sự đồng ý về mặt nguyên tắc về các bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam (GGU) dành cho dự án này. Đây là bước tiến lớn của dự án nếu tính từ thwofi điểm các bên ký kết hợp đồng liên quan vào tháng 4/2008. Nhưng nếu tính từ thời điểm các bên ký kết hợp đồng liên doanh vào tháng 4/2008. Nhưng nếu tính từ khi Công ty Indemitsui – Kosan Nhật Bản – đối tác đầu tiên bắt đầu mối quan tâm của mình từ năm 2003 – 2004 thì thời gian không phải là ngắn.
Ông Nguyễn Xuân Dịnh – Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương (trước đó là Bộ Công nghiệp) cho hay, quá trình theo đuổi của Indemitsui với Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn tới nay đã được cả chục năm. Trong giai đoạn 2005 – 2007 của Dự án, thậm chí đối tác nước ngoài còn đề nghị được bỏ tiền ra làm thiết kế tổng thể, với trị giá khaongr 50 triệu USD, sau đó mới tính tới mức độ tham gia đầu tư đến đâu.
Nhiệt tình vậy, nhưng dự án cũng phải trải qua rất nhiều thời gian đàm phán mới đi tới ngày hôm nay, đặc biệt là trong vấn đề liên quan đến GGU cho hoạt động của dự án. Trong số các yêu cầu của đối tác nước ngoài, thì khó khăn nhất là việc đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ để nhà đầu tư có thể mua dầu thô hay chuyển lợi nhuận về nước. Đây dù là yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư và các bên cho vay, nhưng thời gian đàm phán cũng tính bằng năm, chưa kể các vấn đề khác về phân phối, bao tiêu sản phẩm.
Đối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất – Nhà máy đầu tiên của Việt Nam, với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm, chặng đường từ khi quyết định đầu tư đến khi hoàn tất xây dựng nhà máy vào cuối năm 2009 tính ra cũng mất 13 năm. Tuy nhiên, thế vẫn còn nhanh. Bởi lẽ, với tính chất là nhà máy lọc dầu đầu tiên và sau này lại do phía Việt Nam tự bỏ tiền ra xây, lại thêm chủ đầu tư (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) là doanh nghiệp Nhà nước lớn, Nhà máy được triển khai theo kiểu “vừa xây dựng vừa làm cơ chế”. Tuy nhiên, Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn đang ở trong tình trạng chưa có lãi sau hơn 2 năm hoạt động.
Hiện tại, PVN cũng xác định chỉ có 3 địa điểm được chọn để xây dựng các công trình lọc hóa dầu là Dung Quất (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu). Và sau Nghi Sơn, PVN đang tập trung nguồn lực cho Long Sơn với 2 dự án là Tổ hợp Hóa dầu miền Nam và Nhà máy lọc dầu số 3.
Tuy nhiên, ngay dự án Tổ hợp hóa Dầu miền Nam quy mô 4,5 tỷ USD mà PVN tham gia vốn 18% thì các ưu đãi cho chủ đầu tư cũng được Chính phủ xác định theo hướng giảm dần so với Dung Quất hay Nghi Sơn. Nghĩa là nhà đầu tư sẽ phải tự lực lớn trong việc lo vốn, lo thị trường, cân đối ngoại tệ trong quá trình hoạt động nếu muốn nhắm tới thị trường Việt Nam. Hiện tại, các nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Qatar và PVN đang phải thay đổi cơ cấu một số sản phẩm để tăng tỷ lệ xuất khẩu, nhằm đảm bảo ngoại tệ cho dự án hoạt động.
Theo ông Dịnh, điều này là dễ hiểu, bởi 3 nhà máy lọc dầu mà PVN tham gia đầu tư (gồm Dung Quất, Nghi Sơn và Long Sơn) cũng đáp ứng tương đối đủ nhu cầu xăng dầu của Việt Nam. Ngay tại Long Sơn, trọng tâm cũng là các sản phẩm hóa dầu.
Quay trở lại với siêu dự án lọc dầu đang được nhắc tới tại Bình Định, ông Dịnh cho biết, trong quá trình lập Quy hoạch các địa điểm đặt nhà máy lọc hóa dầu của Việt Nam, Bình Định không phải là vị trí nằm trong danh sách được chọn. Cảng Quy Nhơn hiện có thể đáp ứng nhu cầu bốc dỡ hàng từ 5 – 7 triệu tấn/năm, nhưng để đáp ứng quy mô của những dự án trên 10 tấn/năm thì việc đầu tư sẽ tốn kém hơn nhiều, do luồng lạch, núi, cảng không thuận lợn như các địa điểm mà Quy hoạch đưa ra.
Cần phải nói thêm là, khi nhìn nhận về môi trường đầu tư, ngoài vấn đề chính trị không ổn định thời gian qua, Thái Lan vẫn được các nhà đàu tư nước ngoài đánh giá cao về chính sách rõ ràng và hấp dẫn nên dòng vốn đầu tư nước ngoài vào sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt. Thêm nữa, nếu so sánh vị trí địa lý, Việt Nam không có lợi thế so với chính Thái Lan khi sử dụng dầu thô đầu vào từ Trung Đông cho nhà máy lọc hóa dầu và sau đó lại xuất khẩu.
Tuy nhiên, do Thái Lan đã bão hòa nhu cầu, nên việc tìm đến một thị trường còn đang phát triển như Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. “Chỉ có điều, cần phải xem xét kỹ nguồn vốn của nhà đầu tư, bởi dự án lọc dầu còn liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng của quốc gia” ông Dịnh nhấn mạnh. (Đầu Tư 30/11, tr5, tác giả Thanh Hương)