TPP và thách thức với Công đoàn
Sáng 7/6, tại Hà Nội, Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội nghị trao đổi thông tin về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại 6 điểm cầu (Hà Nội, Quảng Ngãi, TP.HCM, Vũng Tàu, Sóc Trăng, Cà Mau).
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ LĐVN) Mai Đức Chính – Thành viên Đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) Nghiêm Thùy Lan cùng các Phó Chủ tịch CĐ DKVN Trần Ngọc Dũng, Nguyễn Mạnh Kha; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tập đoàn, các đồng chí Ủy viên BTV, BCH, UBKT CĐ DKVN, Chủ tịch các Công đoàn trực thuộc và các cán bộ công đoàn chuyên trách trong hệ thống CĐ DKVN. Công đoàn PV GAS tham gia với đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Công đoàn, đồng chí Nguyễn Đăng Hiếu – Phó Chủ tịch Công đoàn và 79 thành viên là đại diện lãnh đạo công đoàn cơ sở có mặt ở 4 điểm cầu nơi có các công trình khí.
Thách thức cho tổ chức công đoàn
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch TLĐ LĐVN Mai Đức Chính đã cung cấp cho các Chủ tịch Công đoàn cơ sở cũng như các cán bộ công đoàn chuyên trách những thông tin cơ bản về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn, Hiệp định TPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay và được kỳ vọng sẽ là một mô hình mới cho hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại và đầu tư.
Nếu Hiệp định được thông qua, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP; ngoài ra, việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada sẽ giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa Việc Nam sẽ tạo ra một “cú hích” lớn. Đồngthời, Việt Nam sẽ có được cơ hội từ chuỗi cung ứng hàng hóa mới, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và giúp chúng ta tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ …
Phó Chủ tịch TLĐ LĐVN Mai Đức Chính
Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức như sức ép cạnh tranh khi xuất khẩu nông sản, khó khăn cho các ngành công nghiệp hay các doanh nghiệp không có sự bao cấp của nhà nước, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế. Đặc biệt, việc gia nhập TPP còn tác động rất lớn lên các tổ chức công đoàn địa phương, Công đoàn ngành và Công đoàn tại các doanh nghiệp ở Việt Nam với các quy định cụ thể liên quan đến lao động và công đoàn.
Trong Hiệp định, vấn đề đảm bảo quyền lợi của người lao động (NLĐ) ngày càng được coi trọng, trên cơ sở cách tiếp cận NLĐ là người trực tiếp làm ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ … nên họ phải là người được hưởng lợi, được đảm bạo quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản. Đồng thời, nội dung TPP còn hướng tới cho phép có nhiều tổ chức công đoàn cùng hoạt động dựa trên nhu cầu thực tế của NLĐ.
Về vấn đề này, đồng chí Mai Đức Chính nhấn mạnh, tổ chức công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội được quy định tại điều 10 của Hiến pháp. Vì thế, các tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khác của NLĐ được thành lập sau TPP phải tuân thủ các quy định của Nhà nước, đồng thời, đây chỉ là những tổ chức nghề nghiệp, không hoạt động chính trị và được gọi chung là “tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở”.
Cần đổi mới hoạt động công đoàn
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính- những cam kết về LĐ trong Hiệp định TPP đặt ra thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của Tổng LĐLĐVN. Theo những cam kết này, Việt Nam phải cho phép NLĐ làm việc trong một DN không có sự phân biệt, được thành lập tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ mà không phải xin phép trước. Tuy nhiên, để được hoạt động, tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở phải đăng ký với Tổng LĐLĐVN hoặc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.
Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan phát biểu tại hội nghị
“Đây là thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của CĐ VN. Nếu Công đoàn hoạt động thật sự có hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh đòi hỏi quyền lợi sát sườn của NLĐ, nói lên được tiếng nói bức xúc của NLĐ, thì các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ gia nhập vào Tổng LĐLĐVN. Nhưng nếu Công đoàn hoạt động hời hợt, không hiệu quả, không đấu tranh cho quyền lợi của NLĐ thì các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ không gia nhập vào Công đoàn Việt Nam mà tự liên kết lại để bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Nếu họ bảo vệ có hiệu quả hơn tổ chức Công đoàn hiện tại, thì tổ chức Công đoàn hiện tại chỉ là hình thức, không có sức mạnh thực sự, sẽ không thực hiện tốt được chủ trương, đường lối của Đảng đối với phong trào CN”- Phó Chủ tịch cho biết.
"Nếu tổ chức Công đoàn không nhanh chóng đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động thì rất dễ xảy ra “dòng chảy” đoàn viên Công đoàn từ Công đoàn sang tổ chức mới của NLĐ"- Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN cảnh báo.
Toàn cảnh Hội nghị
Trước những thách thức trên, theo Tổng LĐLĐVN, Công đoàn Việt Nam phải vững vàng về tổ chức, cán bộ phải tâm huyết, bản lĩnh, mạnh về cơ sở vật chất thì mới đủ sức thu hút đối với NLĐ và tổ chức mới của NLĐ. Muốn vậy, một trong những giải pháp là cần nghiên cứu sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam và tham gia sửa đổi pháp luật LĐ và Công đoàn theo hướng xác định lại và xác định rõ nội dung theo thứ tự ưu tiên của các cấp công đoàn, cần tập trung thực hiện là những nội dung thuộc các vấn đề về quan hệ LĐ, giảm hoặc lược bớt các nhiệm vụ khác thuộc lĩnh vực chính trị- xã hội, ít hoặc không liên quan đến quan hệ LĐ...
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan nhấn mạnh, Hiệp định TPP có tác động về lao động, việc làm, đời sống người lao động và do đó, tổ chức công đoàn cũng phải có những thích ứng phù hợp để đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Thông qua Hội nghị, Chủ tịch Nghiêm Thùy Lan đề nghị các Chủ tịch công đoàn cơ sở và cán bộ công đoàn chuyên trách tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu về Hiệp định TPP cũng như có những chương trình thiết thực phổ biến tới NLĐ, công đoàn viên. Đồng thời, các công đoàn cơ sở cũng cần có những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động, hướng về cơ sở, chăm lo cho quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ, từ đó nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn.