Tọa đàm ôn lại lịch sử, truyền thống tốt đẹp của ngành Dầu khí Việt Nam
Ngày 4/9, tại Văn phòng Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) ở TP Cà Mau, Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với PVCFC đã tổ chức buổi tọa đàm kỷ niệm 30 năm khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên từ tầng đá móng (6/9/1988 - 6/9/2018) và 43 năm Ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (3/9/1975 - 3/9/2018).
Tham dự buổi tọa đàm, về phía tỉnh Cà Mau có đồng chí Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Phép, Chủ tịch Hội CCB; đồng chí Bùi Công Bửu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phạm Thanh Trị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, nguyên Phó Ban Quản lý cụm Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau.
Các đồng chí nguyên là lãnh đạo ngành Dầu khí qua các thời kỳ: đồng chí Ngô Thường San - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (DKVN); đồng chí Hoàng Xuân Hùng - nguyên Phó Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, Phó Chủ tịch Hội DKVN; đồng chí Lê Minh Hồng, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, Phó Chủ tịch Hội DKVN.
Tọa đàm kỷ niệm 30 năm khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên từ tầng đá móng và 43 năm Ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đồng chí Trần Quang Dũng, UV BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn; đồng chí Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách Hội CCB Tập đoàn cùng các đồng chí Phó Chủ tịch, UV BTV, BCH Hội CCB Tập đoàn.
Lãnh đạo PVCFC tham dự tọa đàm có đồng chí Nguyễn Đức Thành, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty; đồng chí Bùi Minh Tiến, UV BCH Đảng bộ Tập đoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty; đồng chí Văn Tiến Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty.
Về tham dự buổi tọa đàm lần này còn có các đồng chí lãnh đạo các đơn vị, đại diện các phòng ban chuyên môn, Hội CCB, Công đoàn, Đoàn Thanh niên các đơn vị dầu khí khu vực ĐBSCL.
Đồng chí Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách Hội CCB Tập đoàn phát biểu khai mạc tọa đàm
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách Hội CCB Tập đoàn đã ôn lại quá trình hình thành và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sau 43 năm. Đó là chặng đường đầy thách thức, khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất vinh quang và tự hào. Đến nay,Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khẳng định được vị thế của tập đoàn kinh tế trụ cột hàng đầu của đất nước; đóng góp quan trọng cho ngân sách hằng năm, góp phần điều tiết ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh năng lượng, tham gia giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trên biển.
“Trong những thành quả to lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chúng ta tự hào bởi một kỳ tích do chính những nhà khoa học dầu khí Việt Nam đã bằng trí tuệ, bàn tay, khối óc và sự cống hiến hết mình để nghiên cứu, hoàn thiện quy trình khai thác dầu từ tầng đá móng và bắt đầu khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ từ ngày 6/9/1988, đến nay đã tròn 30 năm. Công trình này đã vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ, góp phần làm nên thương hiệu và giá trị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Thành quả đó thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của các thế hệ người lao động dầu khí và có ý nghĩa quan trọng trong việc khai thác và phát triển khâu đầu - thăm dò khai thác của ngành Dầu khí non trẻ”, đồng chí Trần Ngọc Dũng nhấn mạnh.
Đồng chí Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam ôn lại kỷ niệm về quá trình tìm ra, khai thác tần dầu đầu tiên trong tầng đá móng
Tại buổi tọa đàm, đồng chí Ngô Thường San đã kể lại chi tiết về quá trình tìm ra dầu trong tầng đá móng mỏ Bạch Hổ 30 năm về trước, qua đó đồng chí mong muốn gửi gắm những thông điệp cho thế hệ người dầu khí hôm nay.
Đồng chí khẳng định: 30 năm trước, ngày 6/9/1988, Vietsovpetro đã khai thác thương mại tấn dầu đầu tiên trong đá móng nứt nẻ mỏ Bạch Hổ - thân dầu có trữ lượng siêu lớn gần 4 tỷ thùng, diện tích gần 60 km2 và chiều cao thân dầu 1.300 m, là một loại hình mỏ phi truyền thống có thể nói “độc nhất vô nhị trên thế giới” đã đi vào văn liệu khoa học dầu khí thế giới, đặt nền móng cho công nghiệp dầu khí biển Việt Nam và luôn là niềm tự hào của Vietsovpetro và của bao thế hệ người đi tìm lửa Việt Nam.
Ước mơ khiêm tốn với sản lượng “1 triệu tấn dầu/năm” từ mỏ Bạch Hổ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào những năm 80 không những đã trở thành hiện thực ngay khi phát hiện dầu trong đá móng, mà Việt Nam đã trở thành một trong các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Đông Nam Á.
Hiện tại, ngành Dầu khí Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, đó là sự thu hẹp về tiềm năng dầu khí, suy giảm sản lượng, khó khăn tài chính, thách thức của cạnh tranh hội nhập và hiệu ứng công nghiệp 4.0 về năng lượng… và đặc biệt là khủng hoảng về niềm tin. Tuy nhiên, đồng chí Ngô Thường San khẳng định, những người dầu khí có cơ sở khoa học để tin tưởng rằng tiềm năng dầu khí thềm lục địa Việt Nam còn phong phú, ngay cả trong tầng đá móng cũng như các phức hệ trầm tích ở các bể truyền thống đang triển khai thăm dò khai thác.
“Trách nhiệm của những người đi tìm lửa thế hệ hôm nay rất khó khăn và nặng nề. Nhưng với khát vọng truyền thống của những người đi tìm lửa mong các đồng chí đem hết trí tài, đồng tâm hiệp lực, năng động sáng tạo, quyết giữ ngọn lửa luôn rực sáng như Bác Hồ hằng mong đợi, xứng đáng với niềm tin của Đảng, nhân dân”, đồng chí Ngô Thường San nhắn nhủ.
Đồng chí Vũ Công Trình, Phó Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn phát biểu tại tọa đàm
Lâu nay, ít người biết được rằng, ngành Dầu khí Việt Nam có sự gắn bó kỳ diệu với những người lính, những người làm dầu khí đầu tiên, bên cạnh các nhà khoa học, địa chất, kinh tế… chính là những “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Về thông tin này, đồng chí Vũ Công Trình, Phó Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn đã có bài phát biểu chi tiết tại buổi tọa đàm về vai trò của những người lính, CCB sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về tham gia các hoạt động của Tập đoàn.
“Những người lính dầu khí đã mang trên mình truyền thống của “Anh bộ đội cụ Hồ” là lòng trung kiên, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”. Có thể nói rằng, những phẩm chất đó đã làm nên một bản lĩnh của người dầu khí”, đồng chí Vũ Công Trình phát biểu.
Đồng chí Phạm Thạnh Trị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, nguyên Phó Ban Quản lý cụm Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau phát biểu tại tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, đồng chí Phạm Thạnh Trị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, nguyên Phó Ban Quản lý cụm Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã có những chia sẻ nhằm ôn lại kỷ niệm về quá trình xây dựng và phát triển của cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau trong 17 năm qua. Ngoài ra, đại diện lãnh đạo Công ty Khí Cà Mau, Công ty Điện lực Cà Mau, PVCFC cũng đã có những thảo luận về quá trình phát triển của từng đơn vị, qua đó nhằm trao đổi kinh nghiệm khoa học, cũng như tìm những giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức để tiến tới đạt được những thành công mới cho ngành Dầu khí Việt Nam.
Đồng chí Bùi Minh Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVCFC phát biểu tại tọa đàm
Đồng chí Trần Quang Dũng đánh giá cao về ý nghĩa cũng như thành công của buổi tọa đàm kỷ niệm 30 năm khai thác tấn dầu đầu tiên trong tầng đá móng và 43 năm Ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do Hội CCB Tập đoàn và PVCFC tổ chức. Buổi tọa đàm là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc nhằm ôn lại lịch sử, truyền thống tốt đẹp của ngành Dầu khí; đồng thời còn là dịp giao lưu, gặp gỡ của nhiều thế hệ của ngành Dầu khí.
Trong phần phát biểu của mình, đồng chí cũng khẳng định lại ý nghĩa lịch sử của kỳ tích tìm ra và khai thác dầu trong tầng đá móng năm 1988, trong bối cảnh đất nước những năm đầu đổi mới đầy khó khăn, gian khổ.
Đồng chí Trần Quang Dũng phát biểu tại buổi tọa đàm
Đồng chí cho biết, qua 43 năm của Petrovietnam thì thấy rằng, quá trình hình thành và phát triển của ngành Dầu khí không hề bằng phẳng và đơn giản, để có được những thành tích bao giờ cũng có những thăng trầm, khó khăn. Như trước khi làm nên kỳ tích tìm ra và khai thác dầu trong tầng đá móng, đã từng có lúc tưởng chừng phải giải tán Vietsovpetro hay có lúc phải khẳng định rằng dầu không còn và tương lai là hoạt động dầu khí không tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam...
Tuy nhiên, bằng trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết và khát vọng của những người đi tìm lửa, ngành Dầu khí đã và sẽ vượt qua mọi khó khăn, sẽ giành được những thành tựu mới.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau buổi tọa đàm
“Với truyền thống của mình, người dầu khí đã đi từ không thể đến có thể, đi từ có thể đến hiện thực và đã đi từ thân phận của những người học việc, giúp việc trở thành những chuyên gia. Chúng ta cũng đi từ hai tay không đến làm chủ khối tài sản đồ sộ, bao gồm cơ sở vật chất và lực lượng cán bộ công nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao”, đồng chí Trần Quang Dũng nhấn mạnh.
Và với truyền thống đó, đồng chí có niềm tin rằng, ngành Dầu khí sẽ tiếp tục phát triển và đi tới, dù khó khăn có thể trước mắt và khủng hoảng có thể xảy ra. “Qua sóng gió, bão tố nếu vững vàng thì chúng ta sẽ đứng lên hết sức hiên ngang”, đồng chí cho biết.
L.Trúc