Thử nghiệm sản xuất điện bằng biogas
Một nghiên cứu thành công của Giáo sư Tiến sỹ khoa học Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo Dục & Thời Đại cùng các cộng sự ở khoa Cơ khí giao thông (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) và Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường (Đại học Đà Nẵng) đã giúp các chủ trang trại chăn nuôi ở Đà Nẵng, Gia Lai, Thái Nguyên... tận dụng biogas làm nhiên liệu thay thế xăng dầu chạy động cơ, để biến thành điện năng phục vụ chăn nuôi và góp phần bảo vệ môi trường.
Theo các nhà khoa học, biogas là năng lượng tái sinh nhận được từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong môi trường thiếu không khí. Rác thải sinh hoạt, các chất thải của quá trình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, xử lý nước... là nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất biogas. Sử dụng biogas nói riêng và các nguồn năng lượng tái sinh có nguồn gốc từ năng lượng mặt trời nói chung không làm tăng nồng độ CO2 trong bầu khí quyển, giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.
Hệ thống biogas biến thành điện trải qua các công đoạn: Biogas sau khi qua bình lọc để lọc khí độc H2S và khí CO2 (làm giảm trị biogas) được dẫn vào túi chứa để biogas luôn được đảm bảo trước khi dẫn vào động cơ thay thế nhiên liệu dầu mỏ.
"Thành công của chúng tôi là tạo ra bộ phụ kiện vạn năng để làm nguồn biogas cung cấp cho động cơ luôn ổn định, vì vậy tốc độ động cơ không thay đổi nên nguồn điện được tạo ra dao động từ 210V-230V – Giáo sư. Bùi Văn Ga giải thích - Bộ phụ kiện này có thể lắp được trên các động cơ có công suất từ 1kW đến vài trăm kW. Đặc biệt động cơ vẫn chuyển đổi sang chạy bằng nguyên liệu dầu mỏ bình thường nếu hết biogas, nên hầm biogas dù nhỏ cũng ứng dụng được".
Theo Giáo sư. Bùi Văn Ga, hiện mỗi năm VN sản sinh ra khoảng 4 tỷ m3 biogas, chủ yếu sử dụng để đun nấu nên biogas thừa và thải ra môi trường. Với mức độ gây hiệu ứng nhà kính của khí CH4 (thành phần chủ yếu của biogas) cao gấp 23 lần so với khí CO2, việc tận dụng biogas làm nhiên liệu phát điện là rất cần thiết nhằm giảm phát thải chất khí gây hiệu ứng nhà kính và tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch cho quốc gia.
"Nếu áp dụng công nghệ này mỗi năm nước ta có được 4 tỷ kWh điện từ biogas, bằng 10% năng lượng điện bằng nhiên liệu thay thế, tiết kiệm 1,6 tỷ lít dầu; giảm 4 triệu tấn CO2 (1,5 triệu tấn khí carbon) thải vào môi trường, tương đương giảm 6,5% so với mức thải hiện nay là 24 triệu tấn carbon trong một năm" - Giáo sư Tiến sỹ khoa học Bùi Văn Ga kết luận.
Mới đây, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) đã phối hợp với trường Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo "Sản xuất điện năng bằng biogas: Một giải pháp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường ở nông thôn" nhằm đánh giá kết quả sau 2 năm triển khai Dự án Sản xuất điện năng qui mô nhỏ bằng biogas (dự án Biogas), trong khuôn khổ Chương trình "Go Green - Hành trình xanh" do Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) phối hợp với Tổng cục Môi trường và Bộ Giáo dục & Đào tạo thực hiện từ năm 2008.
Theo kế hoạch tổng thể của dự án, 500 cụm máy phát điện chạy bằng biogas sẽ được lắp đặt tại các hộ dân, trang trại chăn nuôi và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các tỉnh, thành phố trên cả nước với 2 giai đoạn chính: Triển khai thí điểm trong phạm vi hẹp (được thực hiện trong 3 năm 2009 - 2011) và triển khai đại trà (thực hiện từ năm 2012).
Theo Giáo sư Tiến sỹ khoa học Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ nhiệm đề tài Ứng dụng biogas để chạy động cơ diesel và sản xuất điện năng: "Năng lượng tối đa của biogas gấp 20 lần so với thủy điện. Theo tính toán khi sản xuất 1kw điện bằng biogas sẽ tiết kiện được 0,4 lít xăng dầu và giảm được 1kg CO2. Vì vậy, sau khi Dự án Sản xuất điện năng qui mô nhỏ bằng biogas hoàn thành sẽ góp phần tiết kiệm được 6.000 lít xăng dầu/ngày, giảm phát thải 15 tấn CO2/ngày". (Tài Nguyên & Môi Trường 9/12, tr11)