Thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh năm 2012: Vẫn nghịch lý thiếu - thừa
Thị trường lao động của Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm nay vẫn tồn tại nghịch lý là nhiều người tìm không được việc làm hoặc mất việc làm, trong khi các doanh nghiệp cần người làm thì lại không tuyển dụng được.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động TP (Falmi), do tình hình khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên năm 2011 có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động.
Chính vì vậy, thị trường lao động có nhiều biến động. Tình trạng lao động cũng biến động nhiều hơn mọi năm khi có đến hơn 30% lao động phổ thông "nhảy việc", nhiều nhất ở các ngành nghề như dệt may, cơ khí, điện tử, xây dựng, bán hàng, phục vụ…
Mặc dù số lượng chỗ làm việc năm 2011 tăng khoảng 14% so với năm 2010, nhưng các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động kể cả lao động phổ thông thuộc nhóm ngành nghề điện tử - viễn thông, cơ khí - luyện kim, dệt may, da giày, nhựa… Trong khi đó thì số người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng, tương ứng gần 12%. Điều này cho thấy tình trạng nghịch lý vừa thừa, vừa thiếu của thị trường lao động.
Phân tích con số thất nghiệp đang ở mức độ cao (khoảng 5%), ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Falmi cho rằng, có nguyên nhân do khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên có thể thấy hai lý do cơ bản gây ra thất nghiệp, đó là có ít chỗ làm việc hơn là nhu cầu của người tìm việc làm phù hợp ngành nghề đã được đào tạo. Ngược lại, tuy số lượng chỗ làm việc nhiều nhưng có nhiều người có nhu cầu tìm việc làm nhưng không đáp ứng trình độ hoặc không muốn làm những công việc đó.
Trường hợp thứ nhất là "thiếu hụt chỗ làm việc", trường hợp thứ hai là "không phù hợp cơ cấu đào tạo nghề và nhu cầu nhân lực", như vậy có thể nhận định nguyên nhân thất nghiệp cốt lõi là vấn đề đào tạo nghề, kỹ năng nghề, dự báo nhu cầu, phân bổ nguồn nhân lực và các chính sách thu hút, sử dụng lao động còn mất cân đối, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế kinh tế - xã hội.
Tình trạng phân bố nhân lực không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, ngành kinh tế đã tạo ra sự mất cân đối giữa nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm. Bên cạnh đó là hạn chế của công tác quản lý nhà nước về nguồn nhân lực, đặc biệt chưa tổ chức hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, dịch vụ giao dịch thị trường lao động (tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động) có hiệu quả cao.
Năm 2011, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông giảm 6,06% so với năm 2010 và tăng tuyển dụng nhân lực có tay nghề và trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này lại thiếu về số lượng và chưa đáp ứng chất lượng.
Ví dụ, ngành tài chính - kế toán luôn có số người tìm việc vượt quá nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở mức trên 30%, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn thiếu nhân sự có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi. Ngành điện, xây dựng, kiến trúc, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến… cũng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tuyển dụng.
Hàng năm, thành phố có khoảng 55.000 sinh viên đại học, cao đẳng ra trường, tính cả số học viên trung cấp, công nhân kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn thì có khoảng 180.000 người được đào tạo nghề có nhu cầu việc làm. Tuy nhiên, chỉ 50% sinh viên ra trường có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp, việc làm chưa thực sự ổn định và có thể chuyển công việc khác.
Căn cứ kết quả khảo sát nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp và đặc điểm thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn nhận định, năm 2012 thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, biến động.
Dự kiến năm 2012 có 265.000 chỗ làm việc, trong đó 120.000 chỗ làm việc mới. Trong quý I-2012, nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là lao động phổ thông cho các ngành dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, xây dựng, cơ khí, điện tử… Vào các quý II và III, thị trường lao động sẽ tiếp tục biến động về cung cầu nhưng ổn định hơn so với quý I.
Nhu cầu tuyển dụng sẽ tập trung vào lao động có tay nghề, trình độ ở ngành nghề cơ khí, công nghệ thông tin, quản lý nhân sự, marketing, bán hàng, xây dựng, kiến trúc… Một số ngành nghề có nguồn cung nhân lực tiếp tục tăng nhanh như quản lý điều hành, kho bãi - vật tư - xuất nhập khẩu, tin học, quản trị kinh doanh, sẽ bị mất cân đối về chất lượng nhân lực trong năm 2012. (Hà Nội Mới 14/12)