TGĐ Nguyễn Vũ Trường Sơn làm việc với lãnh đạo Gazprom, Premier Oil PLC và SKK Migas
Bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Nguyễn Vũ Trường Sơn đã có buổi làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Gazprom (Nga) Alexey Miller; Tổng giám đốc điều hành của Premier Oil PLC (Anh) Anthony Durrant; Chủ tịch SKK Migas (Indonesia) Amien Sunaryadi.
Tại buổi làm việc sáng ngày 10/11 với Chủ tịch Tập đoàn Gazprom Alexey Miller, Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn đã bày tỏ sự cảm kích trước số tiền 5 triệu USD và 40 tấn hàng cứu trợ của Chính phủ và nhân dân Nga cho nhân dân miền Trung bị thiệt hại do bão số 12.
Buổi làm việc giữa Petrovietnam và Gazprom.
Cả 2 bên đã nhìn lại những hợp tác trong thời gian qua. Cả 2 bên đã kiểm tra lại tình hình hợp tác tại các dự án của Gazpromviet và Vietgazprom. Hai bên cam kết sẽ thúc đẩy các dự án, đặc biệt xem xét tạo điều kiện thuận lợi để có thể phát triển chuỗi dự án tại mỏ khí Báo Vàng và các mỏ khí của Gazpromviet tại Nga.
Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn và Chủ tịch Tập đoàn Gazprom Alexey Miller cũng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác thêm các dự án khác trong tương lai.
Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn và Chủ tịch Gazprom Alexey Miller.
Chiều cùng ngày, Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn đã có buổi gặp với Tổng giám đốc điều hành của Premier Oil PLC Anthony Durrant và Chủ tịch SKK Migas Amien Sunaryadi. Tại buổi làm việc, lãnh đạo 3 bên đã ký bản ghi nhớ (MOU) về việc khai thác và xuất khí sang Việt Nam. Các bên thoả thuận sau khi ký cam kết này sẽ triển khai đàm phán các thoả thuận thương mại chi tiết và phát triển mỏ Tuna để có khí xuất sang Việt Nam sau năm 2023.
Mỏ khí Tuna nằm tại vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, do tổ hợp nhà thầu gồm công ty Premier Oil, MOECO và GS Energy trong đó Premier Oil là nhà điều hành. Mỏ được phát hiện năm 2014 và có trữ lượng tại chỗ khoảng 616 tỉ bộ khối khí và 20 triệu thùng dầu.
Lễ ký kết giữa PetroVietnam, Premier Oil và SKK Migas.
Mỏ khí này nằm cách vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 11 km và gần các cơ sở hạ tầng dầu khí đang khai thác của Việt Nam như mỏ Lan Tây, Chim Sáo và Cá Rồng Đỏ. Việc kết nối từ mỏ Tuna về cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn cho việc phát triển dự án.
Xét về vị trí địa lý, mỏ Tuna nằm ở khu vực sát đường ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Indonesia tạo tiền đề cho việc thắt chặt quan hệ hợp tác song phương, cũng như trong tương lai tạo tiền đề cho việc hợp tác giữa Việt Nam với các nước khác.
Thanh Hiếu