Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức tọa đàm chuyên đề "Bối cảnh Quốc tế hiện tại và các vấn đề đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam"
Ngày 7/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức tọa đàm với chuyên đề "Bối cảnh Quốc tế hiện tại và các vấn đề đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam".
Tham dự tọa đàm có Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn, các thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đinh Văn Sơn, Nguyễn Tiến Vinh cùng lãnh đạo các ban chuyên môn Tập đoàn, lãnh đạo Công đoàn Dầu khí Việt Nam.
Diễn giả chính của Tọa đàm là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên- nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn phát biểu khai mạc tọa đàm.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn nhấn mạnh, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở thuộc loại cao trên thế giới. Chính vì vậy tình hình chính trị, kinh tế thế giới có bất cứ thay đổi gì cũng sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam. Ngay bản thân Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tất cả các sản phẩm đầu ra đều chịu ảnh hưởng của nền kinh tế mở. Cụ thể ảnh hưởng lên từng dự án, từng công việc, như dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 đang làm với nhà thầu của Liên bang Nga, nhà thầu bị cấm vận của Hoa Kỳ, toàn bộ công trình có giá trị đầu tư hơn 42 ngàn tỉ đồng bị đình trệ, thiệt hại rất lớn đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Rõ ràng, bối cảnh nền kinh tế chính trị thế giới đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Chính vì vậy, chủ đề tọa đàm "Bối cảnh Quốc tế hiện tại và các vấn đề đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam" sẽ cung cấp cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam những thông tin cụ thể, để mỗi cán bộ công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ý thức được công việc của mình sẽ phải chịu tác động như thế nào từ bối cảnh kinh tế đất nước cũng như thế giới, từ đó đúc rút ra những kế hoạch, giải pháp, hành động cụ thể.
PGS.TS Trần Đình Thiên đã giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế Việt Nam trong những năm qua, trong đó khắc họa rõ nét chân dung nền kinh tế Việt Nam, những vấn đề tồn tại trong nội tại nền kinh tế sau 30 năm đổi mới. Đáng chú ý, nền kinh tế Việt Nam đang có sự thay đổi không theo quy luật tăng trưởng cũ “quý sau tăng cao hơn quý trước”. Một số chỉ tiêu, xếp hạng về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh cũng có nhiều bước tiến nhảy vọt. Các chỉ số như tiếp cận điện năng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội đều có những bước tiến đáng kể.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 4 trong ASEAN về môi trường kinh doanh, thứ 6 về năng lực cạnh tranh và là một trong những quốc gia được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất sau Hội nghị APEC 21. Những tín hiệu tích cực nêu trên là đáng mừng nhưng cũng cần phải tỉnh táo nhìn nhận đúng sự thật về nền kinh tế nước ta. Chúng ta đang có xu thế tốt, mở cửa và tích cực hội nhập với các hiệp định tự do thương mại như CPTPP, Việt Nam – EU FTA, AEC, chúng ta có nền kinh tế ổn định, tăng trưởng tốt, khả năng giữ ổn định vĩ mô (kiềm chế lạm phát), sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài tăng. Đặc biệt là những cải cách về thể chế trong những năm qua đang bước vào nhịp mới với sự quyết liệt của Chính phủ. Nhưng ngược lại, việc tái cơ cấu chậm (cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tinh giản, sắp xếp bộ máy chính quyền, giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh…) khiến lực lượng doanh nghiệp Việt Nam yếu, các đầu tàu tăng trưởng đang thiếu động lực.
PGS.TS Trần Đình Thiên đặc biệt lưu ý, kinh tế chúng ta đang tốt lên nhưng lòng tin xã hội chưa thật vững, vẫn còn đâu đó chưa khắc phục được các vấn đề có tính nền tảng như hệ thống sở hữu, chất lượng nguồn nhân lực, nền tảng cho nền kinh tế hiện đại. Phân tích về bối cảnh kinh tế toàn cầu, PGS.TS Trần Đình Thiên đã tập trung giới thiệu và đưa ra nhiều dẫn chứng về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong đó, đáng chú ý là nhận định trong cuộc chiến này Việt Nam chắc chắn sẽ có cơ hội phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như cả hệ thống chính trị cần phải có sự chuẩn bị, tâm thế sẵn sàng tận dụng thời cơ này để chuyển mình phát triển.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, thực tế, Việt Nam đang ở vào thế khó do Mỹ - Trung là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở hai chiều, xuất siêu lớn nhất sang Mỹ và nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc. Chính vì vậy, Việt Nam lâm vào thế lưỡng nan, xu hướng tác động cả tiêu cực và tích cực. Nhưng đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể mua hàng tiêu dùng với giá rẻ, tăng sức cạnh tranh nội địa. Mặt khác sẽ thu hút đầu tư từ Trung Quốc và các nước đang đầu tư tại Trung Quốc chuyển sang Việt Nam. Chúng ta có cơ hội rất lớn để thu hút các doanh nghiệp siêu cường thế giới. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội xoay trục chuyển hướng thương mại, đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Để tận dụng thời cơ lịch sử này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng Việt Nam phải mạnh lên, nhanh hơn. Cần tạo động lực mới cho nền kinh tế bằng giải pháp chuyển sang cơ chế nhân sự “cứng” và “khuyến khích người thắng”, đây là cách một số quốc gia đã làm với cơ chế đãi ngộ đặc biệt cho những nhân sự giỏi. Còn các dự án, ngành sản xuất mũi nhọn như công nghiệp, ô tô... nhà nước "chọn mặt gửi vàng", doanh nghiệp là "người thắng thầu" phải thực hiện cam kết triển khai, phát triển bằng được ngành công nghiệp đó trong một thời gian. Nhà nước tập trung đầu tư, cho vay vốn, ưu đãi chính sách. Khi doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết đề ra sẽ được thưởng rất lớn, hậu hĩnh, đây là cách làm nhanh, hiệu quả nhất để phát triển công nghiệp mũi nhọn như ô tô thông minh, ô tô điện, tàu du lịch cá nhân... Chính phủ cũng cần tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển "tam giác kinh tế tương lai" gồm các lĩnh vực IT (mạng và hạ tầng mạng internet), kinh tế số- du lịch đẳng cấp cao- nông nghiệp sạch. Đồng thời, thúc đẩy tập trung đầu tư cho các trung tâm tăng trưởng vùng như các thành phố kinh tế trọng điểm, đặc khu và đô thị thông minh.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng chia sẻ, về chiến lược Phát triển doanh nghiệp Việt Nam cần tăng nền tảng SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) và xây dựng trụ cột của nền kinh tế là các tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh. Mặt khác, chiến lược về khoa học công nghệ phải trở thành "trục" để chương trình Đổi mới – sáng tạo – khởi nghiệp Quốc gia được đẩy mạnh trên nền tảng cạnh tranh lành mạnh, nhà nước tạo môi trường để doanh nghiệp thực sự làm chủ.
Thành Công