Tái cấu trúc ngân hàng: Cứu trợ hay giải pháp dứt điểm
Để đảm bảo an toàn hệ thống, việc ngân hàng lớn chia sẻ, hợp tác với các ngân hàng nhỏ, hoạt động lành mạnh để giúp họ đứng vững và phát triển là rất đáng khuyến khích. Nhưng với những ngân hàng yếu toàn cục, thì Ngân hàng Nhà nước cần có một giải pháp dứt điểm.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố thỏa thuận hợp tác với 2 ngân hàng, theo đó, BIDV cam kết hỗ trợ thanh khoản đến 3.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Bắc Á và đến 5.000 tỷ đồng cho GP.Bank.
Thỏa thuận hợp tác này, như lời lãnh đạo BIDV, là để thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các ngân hàng quy mô nhỏ về thanh khoản, nhằm đảm bảo tính ổn định và an toàn hệ thống ngân hàng.
Ở một diễn biến khác, Tổng giám đốc một ngân hàng lớn chia sẻ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng từng đề nghị ông giúp đỡ một số ngân hàng nhỏ, thanh khoản yếu vượt qua cơn khốn khó này. Ý kiến chưa bằng văn bản này từ Ngân hàng Nhà nước cho rằng, ngân hàng mạnh, thanh khoản tốt phải có trách nhiệm hỗ trợ các ngân hàng yếu hơn. Việc hỗ trợ có thể bằng cách cứu thanh khoản trực tiếp, hoặc xem xét mua lại ngân hàng nhỏ. Vì gợi ý này của Ngân hàng Nhà nước mà Ngân hàng ông đã tìm kiếm một hai ứng viên, đó là những ngân hàng nhỏ, nhưng hoạt động lành mạnh và đang đàm phán mua lại.
Khi được đặt câu hỏi vì sao ngân hàng ông phải lo tìm ứng viên sớm như vậy, bởi Ngân hàng Nhà nước chưa có đề xuất chính thức, Tổng giám đốc trên cho biết, ông phải chuẩn bị trước để nếu Ngân hàng Nhà nước yêu cầu là đã có ngay phương án. “Nếu không chuẩn bị trước, chúng tôi sẽ bị động và đến khi Ngân hàng Nhà nước chính thức yêu cầu thì có thể sẽ phải mua ngân hàng yếu”, ông chia sẻ.
Việt Nam hiện có 42 ngân hàng thương mại đang hoạt động, trong đó, một bộ phận thuộc nhóm ngân hàng tư nhân có năng lực quản trị yếu và tiềm lực tài chính cũng yếu. Dân ùn ùn đi rút tiền thì nguy. Tại nhóm ngân hàng yếu, dấu hiệu không đủ khả năng thanh khoản đã bắt đầu lộ diện, cần có sự hỗ trợ kịp thời của Ngân hàng Nhà nước và những ông anh cả trong ngành.
Trên 80% lợi nhuận ngân hàng đến từ hoạt động tín dụng. Nhưng với lạm phát còn rất cao và tổng lượng tín dụng cung ứng tại Việt Nam lên đến 120% GDP (ở nhiều nước chỉ 50-60% GDP), chính sách tiền tệ thắt chặt được dự báo sẽ còn kéo dài để kìm giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn đang đặt ra thách thức làm thế nào để giữ được tốc độ tăng trưởng với các ngân hàng khỏe và đảm bảo sự an toàn của cả hệ thống.
Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mới bắt đầu bằng việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện xây dựng đề án. Dù mới bắt đầu, nhưng dư luận đã và đang được thấy sự ra tay tương trợ của các “ông lớn” trong ngành và khả năng xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong tương lai gần. Để đảm bảo an toàn hệ thống, việc ngân hàng lớn chia sẻ, hợp tác với các ngân hàng nhỏ, hoạt động lành mạnh để giúp họ đứng vững và phát triển là rất đáng khuyến khích. Nhưng với những ngân hàng yếu toàn cục (yếu vốn, yếu khả năng quản trị rủi ro, nợ xấu lớn), thì Ngân hàng Nhà nước cần có một giải pháp dứt điểm, vì càng giữ kín thông tin và co kéo sự tồn tại của đối tượng này bao nhiêu, càng rủi ro bấy nhiêu. (Đầu Tư Chứng Khoán 31/10)