PV GAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Quản lý tạm nhập, tái xuất

Mấy ngày vừa qua, dư luận và công luận "nóng ran" chung quanh việc tạm nhập, tái xuất một số hàng hóa. Người thì cho rằng các doanh nghiệp đang lợi dụng kẽ hở từ cơ chế, chính sách, "tạm nhập" nhiều chủng loại hàng hóa nhưng không "tái xuất" để trục lợi. Người thì bảo các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn phi pháp, thao túng thị trường.
Hoạt động tạm nhập, tái xuất là hoạt động thương mại bình thường. Không ít doanh nghiệp đã rất thành công trong hoạt động này. Ðiều đáng nói ở đây là hoạt động tạm nhập, tái xuất của chúng ta thời gian vừa qua có cả lỗ hổng từ cơ chế, chính sách và cả sự buông lỏng quản lý của các ngành chức năng. Chính vì lẽ đó, có người cực đoan đã đề xuất cả phương án cấm hoạt động tạm nhập, tái xuất.
Ðúng là trong cơ chế, chính sách về hoạt động tạm nhập, tái xuất vừa qua có nhiều lỗ hổng. Cụ thể, có những mặt hàng nhiều quốc gia trên thế giới cấm, hoặc hạn chế thì chúng ta không cấm, thí dụ rác thải độc hại, linh kiện điện tử đã qua sử dụng, rủi ro cao vẫn cho tạm nhập, tái xuất. Việc lợi dụng lỗ hổng trong cơ chế, chính sách không chỉ giới hạn ở các mặt hàng rác thải độc hại, linh kiện điện tử đã qua sử dụng mà còn lan sang cả các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, thực phẩm đông lạnh..., không chỉ gây thiệt hại, mà còn góp phần làm lũng đoạn thị trường.
Ðiều đáng nói là, việc lũng đoạn trong hoạt động tạm nhập, tái xuất đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng không cơ quan quản lý nào "nắm bắt" được. Chỉ đến gần đây, khi hoạt động tạm nhập, tái xuất mặt hàng xăng, dầu có "vấn đề", công luận mới tỏ tường ít nhiều. Chỉ trong vòng ba tháng qua, thanh tra tại các địa bàn trọng điểm, Hải quan đã phát hiện hàng loạt công-ten-nơ các loại phế phẩm như vi mạch điện tử, thực phẩm... và cả xăng, dầu đã qua cửa khẩu bằng con đường "tạm nhập" nhưng đã không "tái xuất" trong vòng 180 ngày theo quy định. Cũng theo số liệu của Bộ Tài chính, kim ngạch tạm nhập, tái xuất những năm gần đây tăng nhanh (năm 2006 chỉ có 1,3 tỷ USD, năm 2011 tăng lên 6,3 tỷ USD và sáu tháng đầu năm 2012 đã là 3,8 tỷ USD). Ðặc biệt, chênh lệch giữa giá trị hàng tạm nhập và tái xuất là khá lớn (năm 2007, tạm nhập hàng trị giá 1,7 tỷ USD, xuất 120 triệu USD). Tuy vậy, cho đến gần đây Bộ Tài chính mới đưa ra nhận định là "bất thường". Ðiều trớ trêu hơn nữa là, khi Bộ Tài chính đề nghị thay đổi một số cơ chế, chính sách về tạm nhập, tái xuất, cụ thể là chấm dứt ngay việc tạm nhập, tái xuất xăng, dầu bằng đường biển, thì một số bộ, ngành lại có văn bản đề nghị cho "làm" nốt năm nay, hoặc sang năm với nhiều lý do như: đã trót xây dựng kho ngoại quan chưa kịp khấu hao, hợp đồng đã lỡ ký rồi...
Tất cả những động thái đó cho thấy, trong hoạt động tạm nhập, tái xuất không chỉ có kẽ hở cơ chế, chính sách, sự buông lỏng quản lý của các ngành chức năng, mà còn có cả những vấn đề chưa hoặc không thể gọi tên ra được. Cho nên, muốn lập lại trật tự đối với hoạt động này, cần sớm điều tra, xử lý thật nghiêm tất cả các vụ việc phi pháp và cá nhân có liên quan. (Nhân Dân 5/9, tr1+7, tác giả Thanh Hà)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên