PV GAS – Phát triển cùng những công trình trọng điểm
Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, Tổng Công ty Khí Việt Nam – PV Gas đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu về qui mô sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh trong ngành công nghiệp Khí Việt Nam; cung cấp tối đa sản phẩm khí cho các nhà máy điện, nhà máy đạm, các hộ tiêu thụ công nghiệp, thương mại và dân dụng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia. Hệ thống cơ sở vật chất của PV Gas được mở rộng với những công trình hiện đại, bảo đảm chất lượng an toàn. Công tác đầu tư xây dựng liên tục tăng trưởng trong nhiều năm qua, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngành Khí còn non trẻ của Việt Nam. Có thể nói, mỗi chặng đường phát triển không ngừng của PV Gas trong 20 năm qua đều gắn với những công trình trọng điểm cấp quốc gia, cấp ngành.
Với tên gọi ban đầu là Công ty Khí đốt, PV Gas được thành lập vào tháng 9-1990 với chức năng chính là thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí. Từ một đơn vị chuyên quản lý đầu tư và xây dựng, PV Gas đã bước vào một lĩnh vực hoạt động hoàn toàn mới với nhiều thử thách đặt ra.
Ngay sau khi thành lập, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV Gas đã bắt tay ngay vào việc triển khai các dự án khí. Dự án đầu tiên mà PV Gas thử sức là dự án “Thu gom và sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ”. Đây là một dự án lớn, phức tạp, bao gồm hệ thống đường ống thu gom và vận chuyển khí, giàn nén khí, nhà máy xử lý khí, kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng, các trạm phân phối khí, với tổng mức đầu tư khoảng 450 triệu đô la Mỹ. Mục tiêu của Dự án là sớm tận thu khí đồng hành, vốn phải đốt bỏ ngoài khơi, đưa vào bờ phục vụ nền kinh tế quốc dân. Ngày 26-4-1995, dòng khí đầu tiên đã được đưa vào bờ làm nhiên liệu cho Nhà máy điện Bà Rịa hoạt động với lưu lượng 1 triệu m3/ngày đêm, góp phần giảm bớt khoản chi ngoại tệ lớn từ ngân sách Nhà nước cho việc nhập khẩu nhiên liệu diezel. Đây là bước ngoặt đánh dấu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của ngành công nghiệp Khí Việt Nam. Không dừng lại ở đó, PV Gas tiếp tục phối hợp hoàn thành giàn nén khí nhỏ, giàn nén khí lớn và mở rộng hệ thống đường ống dẫn khí trên bờ để đạt được những mục tiêu mới. Chưa đầy hai năm sau, ngày 25-2-1997, công suất đưa khí vào bờ đã được nâng lên 2 triệu m3/ngày đêm và cuối năm 1997, công suất khí đưa vào bờ đạt 3 triệu m3/ngày đêm. PV Gas đủ năng lực cung cấp khí cho các nhà máy điện Phú Mỹ 2.1 và 2.1 mở rộng.
Trong quá trình hoàn thiện hệ thống dẫn khí vào bờ, PV Gas đã hoàn thành đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý Khí Dinh Cố, Kho chứa và cảng xuất Thị Vải (cảng PV Gas) vào năm 2001. Đây là một sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Ngoài việc đưa sản lượng cung cấp khí lên 4 triệu m3/ngày đêm, Nhà máy còn cung cấp mỗi năm 130.000 tấn condensate, 350.000 tấn khí hóa lỏng phục vụ nhu cầu trong nước. Để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu khí cho sản xuất công nghiệp đang ngày càng phát triển mạnh, PV Gas tiếp tục đầu tư xây dựng thêm hệ thống thu gom và dẫn khí dài 45 km để đưa thêm 1 triệu m3 khí/ngày đêm từ mỏ Rạng Đông về mỏ Bạch Hổ, nâng công suất của dự án khí đồng hành mỏ Bạch Hổ từ 4,7 triệu m3/ngày đêm lên 5,7 triệu m3/ngày đêm. Toàn bộ dự án khí Bạch Hổ được vận hành và khai thác có hiệu quả với 3 loại sản phẩm: khí khô 1,5 tỷ m3/năm, khí hóa lỏng (LPG) 350.000 tấn/năm và condensate (xăng nhẹ) 130.000 tấn/năm.
Để bảo đảm sự phát triển bền vững ngành công nghiệp khí, góp phần thỏa mãn tối đa nhu cầu ngày càng tăng về khí và các sản phẩm khí của đất nước, ngoài việc khai thác an toàn và hiệu quả dự án khí Bạch Hổ, PV Gas đã tích cực triển khai các dự án khí Nam Côn Sơn, PM3-Cà Mau, Phú Mỹ - Tp Hồ Chí Minh. Dự án khí Nam Côn Sơn (gồm: hệ thống đường ống chính (400 Km) Lan Tây-Lan Đỏ-Phú Mỹ, trạm xử lý khí Dinh Cố, Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ), được hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2002 và hiện đang cung cấp ra thị trường 20 triệu m3 khí và 600 tấn condensate mỗi ngày. Dự án PM3-Cà Mau có công suất thiết kế 2 tỷ m3 khí/năm được hoàn thành vào tháng 4-2007, bao gồm hệ thống đường ống chính (300 Km) PM3-Cà Mau, trạm xử lý và phân phối khí Cà Mau. Dự án Phú Mỹ -Tp Hồ Chí Minh có công suất thiết kế 2 tỷ m3 khí/năm, hoàn thành vào năm 2008, bao gồm hệ thống đường ống chính (39 km) Phú Mỹ-Tp Hồ Chí Minh và trạm phân phối khí Hiệp Phước, Nhơn Trạch. Các dự án này đều có ý nghĩa rất to lớn cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp CNH-HĐH nước nhà. Với sản lượng trên 8 tỷ m3 khí, 100.000 tấn condensate, 200.000 tấn LPG từ sản xuất và nhập khẩu mỗi năm trong giai đoạn hiện nay, PV Gas cung cấp nguyên, nhiên liệu để sản xuất gần 50% sản lượng điện, 30% thị phần phân bón và trên 35% thị phần khí hóa lỏng cả nước.
Để tiếp tục giữ vững thương hiệu của nhà cung cấp khí số một của đất nước, hướng tới chiếm lĩnh vị thế cao trong khu vực và châu Á, từ nay đến năm 2015, PV Gas đồng loạt triển khai nhiều dự án khí quan trọng khác như: Dự án đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn, hệ thống dẫn khí kết nối khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ, đường ống khí Nam Côn Sơn 2, Nhà máy xử lý khí Cà Mau, kho và hệ thống phân phối LNG, kho chứa LPG lạnh, đường ống khí Hải Sư Trắng/Tê Giác Trắng-Bạch Hổ…Để sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án trọng điểm, ngoài việc đầu tư nguồn lực tài chính, con người, PV Gas còn đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Định hướng đến năm 2025, PV Gas xác định mục tiêu phát triển theo hướng tăng tốc, đột phá, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả và bền vững với công nghệ tiên tiến nhất, trong đó An toàn và Hiệu quả là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển; phát triển Công nghiệp Khí thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường trên cơ sở gia tăng giá trị nguồn khí trong nước, tận dụng nguồn khí từ các nước trong khu vực và thế giới; phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, lấy trọng tâm là sản xuất - nhập khẩu – kinh doanh bán buôn, đồng thời chú trọng phát triển bán lẻ, dịch vụ, đầu tư tài chính và phát triển thương mại. Thực hiện tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp, Tổng Công ty quyết tâm phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, thực hiện đa sở hữu và tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển thị trường trong nước cũng như nhanh chóng hòa nhập thị trường khu vực và thế giới.
Với những dự án đã và đang triển khai, chắc chắn PV Gas sẽ hoàn thành mục tiêu cung cấp cho thị trường trên 12,5 tỷ m3 khí, 1,35 triệu tấn LPG (chiếm trên 70% thị phần LPG toàn quốc), 0,5 triệu tấn LNG từ nguồn nhập khẩu vào năm 2015, phấn đấu đưa PV Gas trở thành một trong những thương hiệu khí hàng đầu của châu Á.
Ban Xây dựng