Phát hiện Dầu ở tầng đá móng mỏ Bạch Hổ - Hành trình từ trái tim đến ngọn lửa Dầu khí: Niềm hy vọng vụt sáng
Liên doanh Vietsovpetro đã phải tạm thời từ bỏ Bạch Hổ, chuyển hướng mở rộng tìm dầu từ các mỏ khác với những hy vọng mong manh.
Chuyển hướng tìm dầu
Tổng giám đốc Ph.G. Arjanov, một con người tâm huyết với công việc khi ốm đã được Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười điện hỏi thăm, cũng rất băn khoăn: Có nên dừng khai thác mỏ Bạch Hổ và mở rộng tìm kiếm sang các lô khác để có một chiến lược hoàn chỉnh cho Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, hay cứ tiếp tục chờ các giếng ở MSP-1 đang tắt dần?
Giàn nén khí tại mỏ Rồng - Đồi Mồi.
Quan điểm mở rộng diện tích hoạt động cho Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được Phó Tổng giám đốc thứ nhất Nguyễn Ngọc Cư ủng hộ và báo cáo xin ý kiến Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Kết quả, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được mở rộng diện tích hoạt động ra các lô 15, 17 và 05 (mỏ Đại Hùng).
Ngày 25/10/1985, Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Hòa được ủy quyền của Chính phủ Việt Nam đã ký Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô về việc tiếp tục phát triển hợp tác và mở rộng thêm một số lô trong việc thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam trong các năm 1986-1990.
Về Phía Việt Nam, tư tưởng bi quan cũng có tác động đến chủ trương của lãnh đạo, làm chậm việc đầu tư xây dựng cảng dầu khí, không tiếp tục xây dựng khu nhà ở 5 tầng, điều động một số cán bộ chủ chốt ra Hà Nội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng rất quan tâm và trong chuyến công tác tại Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, Đại tướng yêu cầu Phó Tổng giám đốc phụ trách địa chất Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro Ngô Thường San báo cáo thực trạng của mỏ Bạch Hổ.
Đoàn chuyên viên cao cấp của Bộ Công nghiệp Dầu (Liên Xô) do Thứ trưởng L.I. Philimonov dẫn đầu, sang kiểm tra công việc. Tham gia đoàn kiểm tra có Vụ trưởng Vụ Địa chất và Công nghệ mỏ.
Phòng Địa chất Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được giao nhiệm vụ chuẩn bị tất cả các tài liệu để đoàn kiểm tra. Lúc đó, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro chờ đợi sẽ có một sự phê phán và kết luận không có lợi đối với mỏ Bạch Hổ, nhưng ngược lại, đoàn kiểm tra lại hướng dẫn cách tổ chức kiểm tra khai thác sao cho tốt hơn và cần phải nhanh chóng tổ chức bơm ép nước và chuẩn bị khai thác thứ cấp bằng bơm ly tâm.
Trước khi kết thúc việc kiểm tra, Thứ trưởng L.I. Philimonov lưu ý: (1) Cần tập trung tổ chức, đẩy nhanh tiến độ xây lắp và khai thác khu vực phía Bắc mỏ; (2) Tổ chức lại công tác kiểm tra khai thác; (3) Sẽ cử các chuyên gia về công nghệ mỏ sang Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, xây dựng trong Xí nghiệp Liên doanh một viện nghiên cứu và thiết kế đủ mạnh để có thể thực hiện chức năng thiết kế mỏ và các công trình biển tại Việt Nam; (4) Đặc biệt quan trọng là ngay lập tức phải tổ chức bơm ép nước để duy trì áp suất vỉa. Việc bơm ép nước duy trì áp suất vỉa không kịp thời sẽ gây hậu quả khó khăn về sau, ảnh hưởng đến hệ số thu hồi...
Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế dầu khí biển (NIPI) ra đời và tiến hành làm lại thiết kế mỏ Bạch Hổ, tập trung chủ yếu ở phía Bắc mỏ với 5 giàn từ MSP-3 đến MSP-7 theo mạng 400 x 400 m cho tầng 23 và 600 x 600 m cho tầng Oligocen dưới.
Loay hoay mãi với các phương án khai thác nhưng Viện NIPI, lúc đó, Phó Viện trưởng Demuskin cũng không sao đưa ra được phương án nâng sản lượng 1 triệu tấn dầu/năm vào năm 1990, có lẽ đó là lượng dầu mà Liên Xô phải bảo đảm hàng năm cho Việt Nam.
Kỳ tích xuất hiện
Năm 1983, khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng thăm Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã nói: “Nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro là phải đánh giá xong trữ lượng mỏ Bạch Hổ, đặc biệt khu vòm Bắc và hoàn tất phương án khai thác thử mỏ Bạch Hổ, điều chỉnh lên vòm Bắc”.
Ảnh tư liệu.
Trong khi đó, phía Liên Xô không cung cấp kịp chân đế và các block kiến trúc bên trên. Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro Ph.G. Arjanov chỉ đạo cho Chánh kỹ sư G.V. Puri làm việc với Viện của Ucraina tổ chức “cưa” chân đế giàn MSP-2 và chuyển lên phía Bắc, tận dụng các block của giàn MSP-2...
Để tiếp tục nhiệm vụ thăm dò, đánh giá trữ lượng, giếng Bạch Hổ-6 (BH-6) được khoan với nhiệm vụ khoanh ranh giới phát triển tầng Oligocen về phía Nam, đồng thời cũng để xác định ranh giới tầng 23 cần phải lấy mẫu lõi trong khoảng chiều sâu 2.800 - 3.700 m với số lượng 9 hiệp, mỗi hiệp 18 m (162 m). Để biết đặc tính các tầng sản phẩm, tiến hành lấy mẫu khi có dấu hiệu dầu xuất hiện cho đến khi không còn thấy dầu xuất hiện nữa.
Nhằm nghiên cứu đặc tính tầng móng và xác định ranh giới tầng trầm tích - móng, khoan lấy một hiệp 18 m. Chiều sâu thiết kế giếng khoan 3.700 m, khoan thẳng đứng. Khởi công khoan: 20 giờ ngày 16/8/1986. Kết thúc khoan: 16 giờ ngày 5/5/1987, chiều sâu cuối cùng: 3.533 m.
Giếng khoan cho thấy tầng 23 bị sét hóa, ít triển vọng, tiếp tục khoan qua tầng sét đen gặp tập cát sét mỏng, sau đó là đến tầng móng phong hóa. Lúc này các nhà địa chất đã có thể phân biệt tầng móng qua tài liệu karota.
Lần thứ nhất vào ngày 11/5/1987, tàu khoan Mikhain Mirchin tiến hành thử vỉa. Đối tượng I, thử từ khoảng chiều sâu 3.508 - 3.515 m (thân trần 3.501 - 3.533 m). Thử lần thứ nhất, trong biên bản ghi tầng thử Mezozoi (tầng móng), lưu lượng dầu 505 m3/ngày đêm, khí 23.000 m3/ngày đêm qua Côn đường kính 15,08 mm. Khoảng chiều sâu 3.494 m, áp lực vỉa Pv = 406,26 at, nhiệt độ vỉa Tv =132,5o C.
Thử lần thứ hai, biên bản ngày 24/5/1988 ghi tầng thử là Oligocen, lưu lượng dầu 477,1 m3/ngày đêm, khí 31.700 m3/ngày đêm qua Côn đường kính 15,08 mm. Trong biên bản thử cuối cùng ngày 3/6/1987, xác định lưu lượng dầu 477,1 m3/ngày đêm qua Côn đường kính 15,08 mm.
Tia hy vọng cuối cùng tưởng chừng như vụt tắt nhưng cả Liên doanh Vietsovpetro đã ngỡ ngàng và vỡ òa khi phát hiện dòng dầu có lưu lượng đạt tới 500 tấn/ngày ở vỉa đáy của giếng BH-6. Nói là kỳ tích có lẽ không đủ mà rất nhiều cán bộ lão thành trong ngành Dầu khí đã chiêm nghiệm và cho rằng “tận cùng của bóng tối là ánh sáng”!
Tùng Dương (lược ghi theo cuốn Lịch sử ngành Dầu khí)