Những tấm lòng PV Gas đến với Trường Sa
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển đảo, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc củng cố an ninh - quốc phòng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân sẽ tổ chức chuyến thăm quần đảo Trường Sa, dự kiến từ ngày 26/4 đến 5/5/2009. Đoàn sẽ khởi hành từ TP. HCM trên đoàn tàu của Bộ Tư lệnh Hải quân, đến thăm các chiến sỹ trên 10 đảo Trường Sa, mang theo nghĩa tình của toàn thể CBCNV của ngành dầu khí cả nước.
Trong số 65 thành viên của Đoàn, Công đoàn PVGAS có 3 thành viên. Đó là: anh Trịnh Công Định, chuyên viên Ban Thanh tra - Bảo vệ, Trung đội Trưởng Trung đội tự vệ TCT; chị Nguyễn Mai Phương Thúy, chuyên viên Văn phòng, Giải Nhất Hội thi “Phụ nữ ngành Dầu khí - Thời trang và Văn hóa – năm 2009”; chị Trần Thị Thanh Hoa, chuyên viên Văn phòng, đại diện cho Ban Nữ công và Đoàn Thanh niên PVGAS. Chia xẻ với Trường Sa, Công đoàn PVGAS còn gửi 10 phần quà trị giá 15 triệu đồng và nhiều quà lưu niệm cho các chiến sĩ nơi đảo xa.
Ngay trước ngày lên đường, chúng tôi đã gặp gỡ với các thành viên PVGAS của Đoàn để ghi nhận những cảm xúc náo nức trước giờ khởi hành. Với cùng một câu hỏi: “Vì sao anh chị mong muốn đến với Trường Sa và anh chị sẽ nói gì với các chiến sĩ Trường Sa về những tình cảm đất liền, về tình đoàn kết của CBCNV ngành dầu khí”, chúng tôi đã nhận được những tâm sự khác nhau của người đi:
Chị Trần Thị Thanh Hoa
Tôi đến với Trường Sa mang theo tấm lòng của một đoàn viên Đoàn Thanh niên PVGAS - Một tập thể đoàn kết, năng động và giàu nhiệt huyết. Chúng tôi đặc biệt yêu thích các hoạt động xã hội, giao lưu văn hóa văn nghệ, rất quan tâm và luôn hưởng ứng nhiệt tình các chuyến đi đến những vùng xa. Đáng tiếc là trong chuyến công tác đặc biệt và thú vị này, các đoàn viên không được đăng ký tham gia nhiều hơn. Rất mong có một ngày toàn thể đoàn viên PVGAS chúng tôi được gặp gỡ giao lưu và chia sẻ tình cảm với Trường Sa thân yêu.
Tôi đã xem một số hình ảnh về Trường Sa, về cuộc sống sinh hoạt của các chiến sỹ ngoài đảo. Ấn tượng nhất là hình ảnh các anh lính chuẩn bị Tết được giới thiệu trên cầu truyền hình đêm giao thừa. Cuộc sống nơi đảo xa đã thực sự gây xúc động cho biết bao nhiêu người, trong đó có tôi. Bây giờ, chuẩn bị được chứng kiến tận mắt các hình ảnh ấy, tôi nghĩ rằng điều này rất có ý nghĩa với tôi, giúp biến những cảm nhận thành suy nghĩ và hành động cụ thể hơn, thiết thực hơn.
Là một người yêu thích ca hát, lần này đến với Trường Sa, tôi mong rằng sẽ được gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa những bài ca hay, mang trọn tình cảm đất liền như “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Tình yêu trên dòng sông quan họ”, “Việt Nam quê hương tôi”... Rất nhiều cảm xúc trước ngày lên đường, nhưng tôi tin đây sẽ là những ngày đáng nhớ, không thể quên mà tôi mong muốn được chia xẻ với các bạn của tôi.
Chị Nguyễn Mai Phương Thúy
Tôi thật sự vinh dự và hạnh phúc khi biết tin sẽ được tham gia cùng Đoàn ngành Dầu khí thăm quần đảo Trường Sa. Đây là mơ ước đã theo tôi từ rất nhiều năm qua và đến nay ước mơ này sắp trở thành hiện thực.
Hình ảnh những người lính Trường Sa trong tôi thật đáng trân trọng. Họ đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc, chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bền chí vượt lên những hoàn cảnh thiếu thốn về tinh thần cũng như vật chất, hy sinh thầm lặng cho lý tưởng cao đẹp: “Khẳng định chủ quyền của đất nước và con người Việt Nam”. Đến với đảo xa, cảm xúc của tôi như một người chị, một người bạn, một người thân đến với ruột thịt của mình nơi xa cách. Tôi sẽ vào bếp cùng với các chiến sĩ, góp một vài tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn tại những buổi giao lưu họp mặt, gửi tình cảm thân thương của tập thể nữ CBCNV PVGAS nơi quê nhà, trong đó có tình cảm chân thành của tôi.
Vào những ngày này, mặc dù tôi tương đối bận trong công việc chuyên môn, nhưng tôi vẫn dành thời gian để chuẩn bị một số quà tặng cá nhân như ít bánh đa nem, ít củ quả, các loại gia vị… của đất liền để chia xẻ với những chiến sĩ. Lòng tôi đang tràn ngập cảm xúc rộn ràng, náo nức mong chờ ngày lên đường, dù vẫn biết chuyến đi này sẽ không thiếu vất vả và thử thách.
Xin cảm ơn lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam, lãnh đạo Công đoàn Tổng Công ty đã tạo điều kiện thuận lợi giúp tôi được trở thành một thành viên tham dự chuyến công tác đặc biệt này.
Anh Trịnh Công Định
Cách đây 19 năm, lúc đó tôi 29 tuổi, đang tại ngũ và chưa có vợ. Trong một lần dự sinh nhật bạn ở Hà Nội, tôi ngồi gần một cô gái rất trẻ, hồn nhiên, dễ thương mà mãi sau này tôi mới biết tên là Thắm. Thấy tôi mặc quần áo bộ đội, Thắm cười duyên và hỏi đơn vị của tôi ở đâu. Không biết tại sao, tôi buột ra câu trả lời: “Đơn vị của tôi ở Trường Sa”! Nghĩ một lát, Thắm lại cười nhí nhảnh và nói: “Trường Sa nhưng không xa đúng không anh?”. Lời nói vui của thời tuổi trẻ không hiểu sao cứ theo tôi mãi, tựa như một điệp khúc: Trường Sa nhưng không xa... Mặc dù tôi chưa đến Trường Sa, nhưng tình cảm của tôi đã và luôn dành cho Trường Sa từ đó.
Đối với Trường Sa nói chung và những người lính ở đây nói riêng, tôi luôn giữ gìn sự trân trọng, thương mến. Cái tên Trường Sa trở nên thiêng liêng cao quý, nơi những người lính như chúng tôi đang từng ngày từng giờ thể hiện những phẩm chất cao quý nhất của anh bộ đội Cụ Hồ. Với phần đời quân ngũ tôi đã hiểu và trải qua, tôi thấy người lính trong chiến tranh cũng như thời bình đều có những vất vả, gian khổ mà không giấy mực nào, phim ảnh nào có thể tả hết được.
Nhớ câu nói xưa: “Trường Sa nhưng không xa”, bây giờ tôi lại càng thấm thía: khoảng cách không còn ý nghĩa nếu lòng ta thật sự chia xẻ với nhau. Ngày mai đây, tôi cùng các đồng nghiệp của tôi được vinh hạnh ra thăm đảo Trường Sa, thăm những người lính và quần đảo thân yêu của Tổ quốc. Vinh dự lớn cũng là trách nhiệm! Các anh chị và các bạn hãy tin tưởng ở chúng tôi, chúng tôi sẽ mang đến đảo những tình cảm giản dị, mộc mạc và chân tình nhất. Chào tạm biệt đất liền, hẹn ngày về với cảm xúc mới và những câu chuyện rất đời thường của người lính nơi mảnh đất xa xăm của Tổ quốc thân yêu.