Những hành động chết người khi bình gas rò rỉ
Gas có thể rò rỉ trên thân bình, các điểm nối gen, van, đường ống dẫn, bếp… Vì vậy, khi gas bị rò rỉ, một tác động nhỏ có đánh điện như bật công tắc điện, bật đèn pin, thậm chí chỉ có một cuộc điện thoại di động gọi tới, đều có thể gây cháy nổ.
Sáng ngày 3/11 một vụ chết người thương tâm và đáng tiếc đã diễn ra tại nhà dân ở ngõ 22 Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, khi ngôi nhà bất ngờ bị sập xuống đè chết 2 cháu bé, còn bố mẹ rơi vào tình trạng nguy kịch. Mà nguyên nhân vụ nổ bình gas kinh hoàng sáng 3/11 là do nổ bình gas.
Liên quan đến vấn đề này, VnMedia đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Trung Thành, đại diện công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên dầu khí Thành Phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro), về cách nhận biết và sử dụng gas một cách an toàn, hiệu quả nhất.
- Xin ông chia sẻ cách phân biệt bình gas giả và bình thật?
Hầu hết các thương hiệu gas lớn đều có niêm màng co và tem chống hàng giả được chụp và dán trên van chai gas. Mỗi thương hiệu gas có một cách nhận biết riêng.
Ví dụ: Niêm màng co của thương hiệu gas SAIGONPETRO được in hình ảnh của chai gas, bồn gas.v.v của SAGONPETRO... Ngoài ra để tăng cường tính bảo mật, trên niêm màng co và tem chống giả của các Công ty đều có những dấu hiệu ẩn, chỉ có công ty mới phát hiện ra bằng thiết bị chuyên dụng.
Do đó để tránh mua bình gas giả nhãn hiệu, người tiêu dùng nên mua bình gas tại các Cửa hàng, Đại lý chính thức của các Tổng Đại lý chính thức.
Đặc biệt, cảnh giác với các chương trình khuyến mại khủng: nhiều người tiêu dùng đã bị lừa khi mua bình gas giả nhãn hiệu chỉ có khối lượng gas trong bình bằng một nửa khối lượng gas chính hiệu để nhận quà tặng khuyến mãi có giá trị chỉ bằng một phần tư khối lượng gas bị gian lận.
- Được biết, các vụ nổ bình gas là do nổ khí bên trong bình. Vậy ông có thể chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Hầu hết các vụ nổ khi sử dụng loại bình gas này là do hơi gas rò rỉ ra ngoài khi gặp lửa gây nên cháy và do tốc độ cháy quá nhanh nên gây ra nổ. Nguyên nhân hơi gas bị rò rỉ ra ngoài có thể do:
Vỏ bình gas không có xuất xứ rõ ràng, có dấu hiệu bị mài mòn, cải tạo; Vỏ bình gas quá hạn sử dụng nhưng chưa được kiểm định lại; Thân, đáy, chỏm bình gas bị rỉ sét ăn mòn nhiều dẫn đến có thể bị thủng lỗ kim gây xì hơi gas ra ngoài; Van điều áp, dây dẫn gas không có xuất xứ rõ ràng hoặc dây dẫn gas không thuộc loại chuyên dùng.
Dây dẫn gas và van điều áp sử dụng quá lâu nhưng không được kiểm tra; Dây dẫn gas có dấu hiệu rạn nứt hoặc bị chuột cắn nhưng không phát hiện kịp thời; Các điểm nối giữa van chai gas với van điều áp, van điều áp nối với dây dẫn gas và dây dẫn gas nối vào bếp không được siết chặt và không được kiểm tra độ kín (sau khi lắp đặt bộ bình gas và bếp mới; sau khi thay bình gas; sau khi thay bếp gas; sau khi vệ sinh bếp)...
- Có mấy biểu hiện để phát hiện ra tình trạng rò rỉ khí gas, thưa ông?
Có 3 hiện tượng thông dụng để người tiêu dùng có thể phát hiện ra tình trạng rò rỉ gas, đó là: Ngửi thấy mùi gas (mùi bắp cải thối); Hệ thống báo rò rỉ gas báo động bằng tiếng kêu hoặc vạch chỉ thị; Tại những điểm rò rỉ lớn có hiện tượng đóng tuyết tại vị trí đó (hiện tượng này thông thường người tiêu dùng khó phát hiện).
- Vậy làm thế nào để phát hiện được hiện tượng rò rỉ khí gas, thưa ông?
Để phát hiện được hiện tượng rò rỉ hơi gas, người tiêu dùng có thể thực hiện các phương thức đơn giản như: dùng bọt xà phòng quét vào các điểm kết nối hoặc trên dây dẫn gas tại các điểm gấp khúc, hoặc điểm bị chèn. Nếu thấy bong bong xà phòng nở to lên đó là dấu hiệu gas bị rò rỉ.
Lưu ý không kiểm tra khi đang sử dụng bếp. Đây là phương thức đơn giản nhưng chính xác mà bất cứ người tiêu dùng nào cũng thử được.
Ngoài ra, có thể lắp hệ thống báo rò rỉ hơi gas. Hiện nay trên thị thị trường có bán bộ báo rò rỉ gas, tuy nhiên hiệu quả của làm việc của các bộ báo này phụ thuộc rất lớn vào vị trí lắp đặt và lưu ý khi mất điện hệ thống sẽ không hoạt động.
Vị trí lắp đặt tốt nhất là những nơi hơi gas tích tụ khi bị rò rỉ.
- Hiện nay người dân thường sử dụng nhà ống và đóng kín cửa nên có thể xảy ra tình trạng khí gas bị tích tụ trong nhà nếu có tình trạng rò rỉ? Ông có thể chia sẽ cho người tiêu dùng biết cách để giải quyết tình huống này như thế nào?
Người tiêu dùng gas sử dụng nhà ống và đóng kín cửa, khi xảy ra hiện tượng xì gas, trước tiên có thể gây ngạt cho người vì gas nặng hơn không khí nên khi thoát ra ngoài thường có khuynh hướng bay là là xuống mặt đất.
Nếu không phát hiện kịp thời, gas sẽ dần dần chiếm hết phần không khí trong nhà gây ngạt cho người.
Để khắc phục nguy cơ này, người tiêu dùng nên bố trí lỗ thông gió ở phần đáy tường nhà, hoặc khe thông gió bên dưới cửa ra vào, tốt nhất nơi gần bếp để gas thoát ra ngoài nhà. Sau đó hơi gas có thể gây ra cháy nổ nếu gặp lửa.
- Khi phát hiện ra nguy cơ cháy nổ, người tiêu dùng cần phải làm gì, thưa ông?
Để ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ khi phát hiện có mùi gas, phải bình tĩnh và thực hiện các bước sau:
Nếu đứng gần bếp hoặc đang sử dụng bếp phải ngay lập tức khóa van bình gas và tắt bếp, tắt các ngọn lửa hở gần khu vực bếp (như đèn cầy...). Sau đó mở cửa ra vào, cửa sổ cho thông thoáng. Nếu không sử dụng bếp và đứng gần cửa ra vào, cửa sổ thì nhanh chóng mở cửa thông thoáng và tìm cách đóng van bình gas. Có thể dùng quạt tay để quạt nhằm nhanh chóng làm giảm nồng độ hơi gas trong không khí xuống dưới giới hạn cháy nổ.
Tuyệt đối không thực hiện bất cứ động tác nào có thể gây ra tia lửa như bật hộp quẹt, đóng hoặc tắt các thiết bị điện như contact, cầu dao, aptomat, quạt điện... kể cả điên thoại di động.
Mọi người phải nhanh chóng ra khỏi vùng có mùi gas, vùng có nguy cơ cháy, nổ. Gọi điện thoại cho cửa hàng, đại lý gas cử nhân viên xuống kiểm tra, xử lý. (VnMedia 5/11, Mục Kinh tế, Tác giả Minh Hường)