Những điểm mới trong Bộ luật Lao động 2012
Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 18/6/2012, bắt đầu có hiệu lực từ 1/5/2013.
Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 242 điều, tăng 19 điều so với Bộ luật Lao động trước (223 điều). Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra những quy định cụ thể hơn và bảo vệ lợi ích cho người lao động (NLĐ) nhiều hơn. Xin được tổng hợp giới thiệu nội dung mới đáng chú ý mà NLĐ và Doanh nghiệp cần biết trong Bộ luật mới này.
Trích từ đánh giá của http://www.careerlink.vn/cam-nang-viec-lam/luat-lao-dong/nhung-diem-moi-trong-bo-luat-lao-dong-sua-doi#.UsoYpdJdVwF
Đối với hợp đồng lao động
Chương III (điều 26, 27, 31) quy định: tiền lương trong thời gian thử việc của NLĐ “ít nhất phải bằng 85%” so với mức 70% của quy định theo Bộ luật đang hiện hành. Một điểm mới được bổ sung trong chương này đó là: Cho thuê lao động, đây là lần đầu tiên quy định này chính thức được công nhận tại Việt nam.
Với quy định cho thuê lao động sẽ giải quyết được tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giữa các doanh nghiệp. Đồng thời giải quyết được vấn đề thất nghiệp cho những người trong độ tuổi lao động.
Về chính sách tiền lương
Chương VI, điều 93 và 94 Bộ luật Lao động đang hiện hành quy định: Người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải đăng ký thang, bảng lương với cơ quan quản lý Nhà nước và phải được duyệt trước khi thực hiện trong doanh nghiệp. Trong Bộ luật (sửa đổi) áp dụng ngày 1/5/2013 đã bãi bỏ hình thức phải đăng ký thang, bảng lương thay bằng việc NSDLĐ chỉ cần sao gửi thang, bảng lương cho cơ quan, tổ chức có liên quan để quản lý, theo dõi. Điều này có nghĩa Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào mức tiền lương của người lao động, chỉ quy định mức tiền lương thấp nhất mà NSDLĐ phải trả cho NLĐ …. Thang lương, bản lương, định mức lao động do các doanh nghiệp tự xây dựng và ban hành theo nguyên tắc quy định của Chính phủ. Trường hợp thay đổi hình thức trả lương phải thông báo cho NLĐ biết trước 10 ngày.
Về tiền lương, làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, ngoài những quy định đang hiện hành theo khoản 1 và 2, điều 97, NLĐ còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.” (Khoản 3 Điều 97).
Những sửa đổi của chương này dựa trên nguyên tắc: Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào mức tiền lương của NLĐ, chỉ quy định mức lương thấp nhất mà NSDLĐ phải trả cho NLĐ. Đồng thời quy định rõ các mức lương tối thiểu được xác định theo ngày, tháng, giờ và được xác lập theo vùng ngành như: Điều kiện sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.
Một điểm mới trong chương VI là việc quy định về Hội đồng tiền lương Quốc gia: “Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động – thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung Ương. Chính phủ được giao quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của hội đồng này” - (khoản 1, điều 92).
Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Ngoài những quy định về giờ làm việc và nghỉ ngơi cho NLĐ như: Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 01 ngày, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm. Chương VII, Bộ luật còn quy định NLĐ được nghỉ 10 ngày/năm hưởng nguyên lương, trong đó tết âm lịch được nghỉ 5 ngày, tăng một ngày so với luật đang hiện hành (nghỉ 9 ngày/năm hưởng lương nguyên, trong đó tết âm lịch được nghỉ 4 ngày).
Ngoài ra, trong chương này bổ sung thêm quy định để NLĐ được nghỉ trong một số trường hợp cụ thể như bố, mẹ hoặc anh, chị em ruột chết: “Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hoặc anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn (khoản 2 Điều 116). Riêng đối với lao động là người nước ngoài được nghỉ thêm một ngày tết cổ truyền và ngày quốc khánh của nước họ.
Về thời gian nghỉ thai sản dành cho lao động nữ
Theo Chương X: Những quy định riêng đối với lao động nữ: Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng, thay vì 4 tháng như hiện nay. Trường hợp LĐ nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Trong đó, nếu đến ngày 1/5/2013 mà lao động nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản sẽ được hưởng chế độ theo BLLĐ mới.
Mục đích của quy định này là: đưa ra các quy định nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác; pháp điển hoá Nghị định (là việc xây dựng, soạn thảo một văn bản pháp luật mới trên cơ sở hệ rà soát, hệ thống hoá, tập hợp các quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vào văn bản đó với sự sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn) 23-CP ngày 18/4/1996 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về những quy định riêng đối với lao động nữ.
Độ tuổi nghỉ hưu đối với nhóm lao động cụ thể
Về tuổi nghỉ hưu, Bộ luật vẫn giữ nguyên quy định độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Trong chương XII, khoản 1, điều 187, Bộ luật cho phép Chính phủ quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, nhóm lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác, làm cơ sở để trong tương lai điều chỉnh tổng thể tuổi nghỉ hưu. Đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định.
Ngoài một số quy định đã được sửa đổi, bộ luật lao động mới có thêm một số điều mới như: Các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu; đối thoại doanh nghiệp; thỏa ước lao động tập thể ngành. Bên cạnh đó, luật còn bổ sung thêm những quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ giúp việc nhà, người lao động không trọn thời gian. Các chính sách về BHXH, BHYT, BHTN… cũng được chỉnh sửa cụ thể hơn, nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ trong các trường hợp rủi ro như: Ốm đau, tai nạn, mất việc…
Tìm hiểu thêm