PV GAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Nhà máy nhiên liệu sinh học đối mặt nhiều khó khăn

Trong khi nhà máy cồn Ethanol Đại Tân (Quảng Nam) bị bao vây, siết nợ hàng trăm tỷ đồng thì nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) đang chạy thử, loay hoay tìm hướng xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Nhiều ngày qua, người lao động, chủ quán ăn và nhân viên ngân hàng bao vây nhà máy cồn Ethanol Đại Tân ở xã Đại Tân, huyện Đại Lộc túc trực cả ngày lẫn đêm yêu cầu Công ty cổ phần Đồng Xanh trả khoản nợ hơn 700 tỷ đồng. Lãnh đạo Công ty Đồng Xanh giải thích, việc công ty chậm trả nợ là do đang gặp khó khăn về nguồn vốn vay, đầu ra sản phẩm gần đây hạn chế do giá cồn trên thế giới xuống thấp, giá nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao, sản phẩm khó xuất bán.
Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân có công suất 100.000 tấn mỗi năm (tương đương 125 triệu lít/năm) với quy mô lớn nhất Việt Nam. Nhà máy khởi công vào tháng 4/2007 với tổng vốn hơn 500 tỷ đồng, chính thức đưa vào hoạt động năm 2009. Do nợ nần, nhà máy này buộc phải tạm ngừng hoạt động từ cuối tháng 6 đến nay.
Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, ông Đặng Quốc Dũng, phó giám đốc Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học miền Trung (PCB) cho biết, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio- Ethanol Dung Quất vẫn trong giai đoạn chạy thử. Từ tháng 6 đến nay, nhà máy đã bán cho một công ty Singapore xuất hơn 8.300 khối nhiên liệu sinh học Ethanol sang thị trường Philippines. Dự kiến đến cuối tháng 3/2013, công ty tiếp tục xuất bán sản phẩm ra nước ngoài. Hiện tại, sản phẩm của nhà máy xuất bán thị trường trong nước chỉ khoảng 15 đến 20%, còn lại xuất khẩu.
"Hiện Tổng công ty thương mại kỹ thuật và đầu tư Petec và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) mua sản phẩm của nhà máy pha trộn với xăng A92 theo tiêu chuẩn xuất bán ra thị trường. Còn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thì chưa đặt vấn đề mua sản phẩm của nhà máy", ông Dũng cho biết thêm.
Trong khi chờ đợi lộ trình của Chính phủ tiêu thụ đại trà xăng sinh học trong phạm vi cả nước, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất vẫn định hướng xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài do nhu cầu trong nước quá thấp.
Nhà máy này có tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD, khởi công xây dựng tháng 9/2009, dự kiến đầu cuối năm 2011 hoàn thành, đưa vào vận hành sản xuất xăng nhiên liệu sinh học. Thế nhưng đến nay đã cuối năm 2012, nhà máy vẫn trong giai đoạn chạy thử, đầu năm 2013 mới đưa vào chạy nghiệm thu.
Hiện giá bán 1 lít xăng E5 chỉ thấp hơn xăng A92 khoảng 100 đồng mỗi lít nhưng nhu cầu không nhiều vì người tiêu dùng mới bắt đầu làm quen loại xăng này nên nhiều nhà máy nhiên liệu sinh học gặp khó khăn khi tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty nhiên liệu sinh học Phương Đông (Bình Phước) lo lắng, với tình hình tiêu thụ xăng E5 trong nước như hiện nay, Công ty đang "chạy đôn, chạy đáo" tìm đối tác để mở hướng tiêu thụ cho sản phẩm của nhà máy.
Thống kê của Tổng công ty Dầu Việt Nam, bắt đầu từ tháng 6/2012, hai nhà máy nhiên liệu sinh học tại Quảng Ngãi và Bình Phước đã có sản phẩm tuy nhiên sản phẩm sản xuất ra hầu hết xuất khẩu, chỉ khoảng 10% sản phẩm Ethanol được tiêu thụ trong nước.
Các chuyên gia kinh tế hoạch tính, mỗi lít xăng sinh học Ethanol do các nhà máy nhiên liệu sinh học thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sản xuất ra hiện nay tốn 15.000 đồng, trong khi giá xuất khẩu chỉ khoảng 13.000 đồng (mất 2.000 đồng mỗi lít) nên thua lỗ là tất yếu.
Theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, xăng sinh học (xăng pha 5% ethanol – E5) sẽ chính thức áp dụng từ cuối năm 2014, theo đó xăng E5 sẽ được phép pha trộn và tiêu thụ tại 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Quảng Ngãi. Từ ngày 1-12-2015 xăng E5 sẽ tiêu thụ đại trà trên cả nước.
Theo lộ trình này, các nhà máy sản xuất xăng sinh học hi vọng trong tương lai đầu ra sản phẩm sẽ ổn định. Tuy nhiên từ nay đến cuối năm 2014 mất gần hai năm- quãng thời gian quá dài mang theo nhiều khó khăn, thách thức cho các nhà máy sản xuất xăng sinh học trong nước.
Theo kế hoạch ban đầu, đến năm 2012 cả nước có năm nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đưa vào hoạt động. Thế nhưng đến nay, do nhu cầu sử dụng xăng E5 của người dân trong nước chưa nhiều nên một số nhà máy chỉ mới chạy thử, hoạt động "cầm chừng". Một số nhà máy tìm cách xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí vận chuyển, giá cả bấp bênh.
Xăng sinh học được hiểu đơn giản là gồm 5% ethanol và 95% xăng A 92 không chì để tạo thành xăng sinh học (xăng E 5). Nhiên liệu hỗn hợp này thường được dùng cho những động cơ đốt trong như xe máy, ô tô đang sử dụng phổ biến tại Việt Nam hiện nay. (Vnexpress 28/12, mục Kinh doanh, tác giả Trí Tín) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên