Nhà đầu tư sợ hãi, Phố Wall trượt sâu
Lợi suất trái phiếu chính phủ của Pháp và Tây Ban Nha đồng loạt nhảy vọt lên cao nhất kể từ năm 1997 đã khiến giới đầu tư hoảng loạn, bán tống bán tháo các tài sản rủi ro, đẩy chứng khoán Mỹ rớt mạnh trong phiên giao dịch ngày 17/11.
Tin tức mới nhất từ châu Âu một lần nữa làm giới đầu cư không còn chỗ bấu víu. Nhiều người tin rằng, cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực này đã vượt tầm kiểm soát và có thể sẽ lan rộng ra khắp thế giới, đẩy kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái mới.
Thông tin châu Âu cũng xóa nhòa những thông tin kinh tế đáng khích lệ từ Mỹ, như số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua của Mỹ giảm xuống 388.000 người, thấp nhất từ đầu tháng 4, trong khi số giấy phép cấp xây nhà mới tăng trưởng mạnh trong tháng 10.
Thị trường giảm sâu hơn khi chỉ số S&P 500 rớt mạnh, xuyên thủng ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng 1.225 điểm. Đà bán tháo cổ phiếu lan khắp các sàn giao dịch, từ đó đẩy các chỉ số chính vào cảnh suy giảm không ngừng.
Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu và năng lượng đồng loạt giảm mạnh, do giá dầu thô, giá kim loại đồng tương lai cùng trượt hơn 3%. Trong đó, chỉ số S&P nguyên vật liệu giảm 2,9%, còn chỉ số S&P khu vực năng lượng mất 2,1%. Chỉ số S&P công nghệ cũng giảm 2,2%.
Chốt ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 134,71 điểm, tương ứng 1,13%, xuống mức 11.770,80 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 20,73 điểm, tương ứng 1,68%, xuống còn 1.216,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite trượt 51,62 điểm, tương ứng 1,96%, xuống chốt ở 2.587,99 điểm.
Khối lượng chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq đạt khoảng 8,6 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình hàng ngày 8 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Tỷ lệ cổ phiếu giảm/ tăng ở sàn New York là 4/1, còn ở sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 5/2.
Cùng chiều với thị trường Mỹ, các sàn chứng khoán châu Âu đỏ lửa trong phiên 17/11. Chỉ số FTSE 100 của Anh hạ 1,56% xuống mức 5.423,14 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 1,78% xuống còn 3.010,29 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 1,07% xuống còn 5.850,17 điểm.
Trong khi đó, các sàn châu Á - Thái Bình Dương diễn biến trái chiều. Về phía tăng, có các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, trong đó mạnh nhất là chỉ số Kospi của Hàn Quốc với mức tăng 1,11%. Ngược lại, các thị trường Hồng Kông, Trung Quốc và Singapore hạ điểm. (CNBC, Market Watch. 17/11)