Ngành Dầu khí Việt Nam: Tận dụng cơ hội trong bối cảnh hội nhập sẽ phát triển bền vững
Ngày 26/9, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Tại đây, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học đã cùng bàn thảo, đưa ra nhiều giải pháp nhằm tận dụng các cơ hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế đưa ngành Dầu khí Việt Nam phát triển bền vững.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Hà Đăng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; đồng chí Trương Đình Tuyển - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế; GS,TS Vũ Văn Hiền - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương.
Mục đích của Hội thảo là: Trên cơ sở đánh giá những thành tựu mà ngành Dầu khí đã đạt được, những cơ hội, khó khăn, thách thức đang đặt ra, đề xuất những giải pháp để ngành Dầu khí phát triển bền vững trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; tình hình khu vực và quốc tế có nhiều biến động; áp lực bảo vệ môi trường gia tăng yêu cầu các nhà sản xuất nhiên liệu phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm; sự phát triển của các nguồn năng lượng khác, nhất là những nguồn năng lượng sạch, tái tạo được; sự tác động của giá dầu giảm, giá dầu thấp trên thế giới…
Hội thảo đã nhận được gần 40 tham luận của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu; nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực dầu khí, các nhà nghiên cứu kinh tế, đề cập đến nhiều nội dung như:
Đánh giá những chặng đường phát triển của ngành dầu khí Việt Nam trong hơn 55 năm qua, kể từ khi Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 ra đời theo Quyết định số 271-ĐC, ngày 27-11-1961, của Tổng cục địa chất Việt Nam (đây cũng là ngày được Thủ tướng Chính phủ quyết định là Ngày Truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam); khẳng định những thành tựu mà ngành Dầu khí đã đạt được, những đóng góp của ngành Dầu khí đối với ngân sách nhà nước, với tăng trưởng kinh tế, cũng như trong việc góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện chiến lược Biển, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam.
Phân tích những hạn chế, khó khăn trong việc phát triển bền vững ngành Dầu khí, trên nhiều khía cạnh: tính rủi ro cao; vốn đầu tư lớn; khoa học công nghệ hiện đại; bất cập trong cơ chế hoạt động, quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực, tổ chức cán bộ, kỹ thuật - công nghệ, vốn, quản lý, điều hành, giám sát hoạt động tài chính…
Dự báo biến động quốc tế thời gian tới và đánh giá sự tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung, ngành Dầu khí nói riêng; dự báo xu thế phát triển ngành dầu khó trong tương lai…
Đề xuất hướng tái cơ cấu ngành Dầu khí Việt Nam phù hợp với tình hình mới, phát triển ngành công nghiệp Dầu khí ở Việt Nam trong tương lai. Đề xuất, kiến nghị những giải pháp về quản trị doanh nghiệp, về tài chính, về đầu tư; về thị trường, về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, về khoa học công nghệ, về an toàn, môi trường và phát triển bền vững, về an ninh - quốc phòng - đối ngoại… để ngành Dầu khí Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí chủ đạo của mình, phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế.
Hội thảo cũng là dịp để các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực dầu khí trực tiếp trao đổi, bàn thảo để cùng tìm ra những giải pháp khắc phục những khó khăn, bất cập, những hạn chế, khiếm khuyết hiện nay, tận dụng cơ hội đưa ngành dầu khí phát triển bền vững.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS. TS Vũ Văn Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định: là ngành đi tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, Dầu khí Việt Nam sớm có điều kiện cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh theo hướng đạt chuẩn quốc tế; giúp nâng cao cao năng lực sản xuất và dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp hơn. Và, hiện nay, dầu khí và ngành công nghiệp dầu khí là ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác.
Ngành dầu khí đóng góp hơn 20% trong tổng thu ngân sách quốc gia, đóng góp 16-18% GDP trong các năm qua. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, sự phát triển của ngành Dầu khí còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp vai trò quan trọng trong chiến lược Biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển của Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo
Về mức độ hội nhập của ngành Dầu khí nước ta, đồng chí Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đánh giá: “Cho đến nay, cam kết về mở cửa thị trường trong ngành dầu khí thì ngoài thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, các cam kết khác thì TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) là có mức độ sâu rộng nhất. Cam kết cắt giảm thuế quan thì Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) là sâu nhất”.
Việc hội nhập sâu rộng đem lại nhiều cơ hội cho ngành Dầu khí Việt Nam phát triển, tuy nhiên nó cũng đặt ra nhiều thách thức cần phải được nhìn nhận kỹ lưỡng. Do tác động của TPP, đến năm 2029, thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ được loại bỏ, thị trường dầu khí cũng như các sản phẩm hóa dầu sẽ có tính cạnh tranh cao, không chỉ đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà cả với những nhà nhập khẩu. Và, với sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ngoài lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu, sẽ có sự chuyển dịch lao động trong khối.
Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại - phát biểu tại Hội thảo
Các đại biểu dự hội thảo đã nghe và thảo luận 15 bài tham luận của đại diện Hội đồng Lý luận TW, các Bộ, ngành, chuyên gia.
Đánh giá về tình hình chung, các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, ngành Dầu khí cần khẩn trương có những giải pháp về quản trị doanh nghiệp, về tài chính, về đầu tư; về thị trường, về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, về khoa học công nghệ, về an toàn, môi trường và phát triển bền vững, về an ninh - quốc phòng - đối ngoại,… để ngành Dầu khí Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí chủ đạo của mình, phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế.