Năng lượng tái tạo vẫn thiếu chính sách
Muốn nhân rộng mô hình đầu tư cho năng lượng tái tạo (NLTT) phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, cũng như xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc đầu tư vào lĩnh vực này.
Phước Thể là dự án phong điện gần đây nhất được UBND tỉnh Bình Thuận cấp chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư 1.231,8 tỷ đồng. Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Thuận mới đây cũng đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Phong điện Fuhrlaender Việt Nam đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất, lắp ráp turbin phong điện tại xã Vĩnh Hảo. Nhà máy phong điện đầu tiên ở Bình Thuận cũng đã phát điện và hòa điện lưới quốc gia vào tháng 9 vừa qua.
Không chỉ ở Bình Thuận, việc phát triển phong điện ở Bình Định và các tỉnh miền Trung thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư. Tương tự, các nhà đàu tư cũng quan tâm tới các dự án phát triển năng lượng mặt trời, điện trấu...
Đại diện Cenergy Power, một công ty hàng đầu của Mỹ về phát triển năng lượng mặt trời, cũng đã khẳng định mong muốn được đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Hiện Cenergy Power đang chuẩn bị hồ sơ pháp lý cho việc thành lập chi nhánh tại Việt Nam và theo kế hoạch, vào quý I/2010, văn phòng đại diện và trung tâm đào tạo của Công ty sẽ được thành lập tại Việt Nam.
Đây chính là bước đi đầu tiên của Cenergy Power nhằm hỗ trợ Việt Nam trở thành nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN về nguồn lực và các dự án năng lượng mặt trời.
Rõ ràng, xu hướng đầu tư vào phong điện nói riêng và NLTT nói chung đã bắt đầu xuất hiện. Việc Công ty Fuhrlaender đầu tư hẳn một nhà máy sản xuất turbin phong điện, thậm chí còn có thể được hiểu là một sự đầu tư để đón đầu xu hướng này.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm NLTT và cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng) nhận xét, đó thực sự là một sự đón đầu, bởi cho dù Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển NLTT, nhưng với cơ chế, chính sách hiện nay, đầu tư cho lĩnh vực này là không hiệu quả.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư mặc dù bày tỏ mong muốn được đầu tư vào lĩnh vực NLTT ở Việt Nam, song cũng không khỏi băn khoăn trước các cơ chế hỗ trợ mà các cơ quan nhà nước đã từng nhắc tới, nhưng tới thời điểm này, vẫn chưa thực sự rõ ràng. Và mặc dù, hiện vẫn có các quy định liên quan đến việc khuyến khích đầu tư vào NLTT, như các chính sách đất đai, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp..., song theo các nhà đầu tư, thì vẫn chưa đủ sức hấp dẫn.
“Cần có cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ Chính phủ, không chỉ về tài chính, mà còn cả việc nâng cao nhận thức về đầu tư và sử dụng NLTT”, ông Hoàng Ngọc Diệp, cố vấn đầu tư của Tập đoàn Kim Đỉnh phát biểu.
Thừa nhận thực tế này, ông Lê Tuấn Phong, Phó vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý Dự án điện nông thôn và NLTT (Bộ Công thương) khẳng định, muốn nhân rộng mô hình đầu tư cho NLTT phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, cũng như xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc đầu tư vào lĩnh vực này.
“Muốn phát triển phong điện phải xây dựng được bản đồ phong điện, phải định giá bán cụ thể cho từng loại năng lượng tái tạo”, ông Phong nói và cho biết, Bộ Công thương hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Phát triển NLTT đến năm 2015, tầm nhìn 2025 và nghị định hướng dẫn các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển NLTT.
Đáng chú ý nhất trong các chính sách hỗ trợ, đó là việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển NLTT cũng như cơ quan điều phối sử dụng nguồn quỹ này. “Bộ Công thương đang chờ đợi quyết định từ Chính phủ, bởi nguồn vốn cho quỹ sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước. Nếu Chính phủ thấy cần thiết phải phát triển NLTT thì phải lập quỹ, bởi tất cả các nước muốn phát triển lĩnh vực này đều phải có sự hỗ trợ, nếu không thì không thể phát triển được”, ông Phong nhấn mạnh. (Đầu Tư 24/12)