Năng lượng tái tạo chưa bán được
Nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam được đánh giá khá dồi dào, với các nguồn có thể xếp theo thứ tự: gió, năng lượng mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, thủy triều, sóng biển. Thế nhưng việc phát triển nguồn năng lượng này còn rất chậm.
Ông Tô Quốc Trụ - giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng Việt Nam - cho rằng hiện nay việc khai thác thủy điện ở nước ta đã dần đến giới hạn. Việc phát triển các nhà máy nhiệt điện chạy than để tạo sản lượng 200 tỉ kWh điện là không khả thi bởi nhu cầu than cho số công suất này lên đến 100 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, sản lượng khai thác tối đa của ngành than chỉ đạt 60-70 triệu tấn/năm. Còn nhập khẩu than là một bài toán nan giải. Các nhà máy nhiệt điện chạy khí hay dầu cũng chưa có hướng phát triển thêm do hạn chế về nguồn cung. Do vậy, thách thức về thiếu điện rất lớn, nhất là giai đoạn 2010-2020 và giải pháp duy nhất là phải phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Thế nhưng, ngay cả những tính toán về tiềm năng của nguồn năng lượng này vẫn còn nhiều tranh luận. Theo số liệu của Viện Năng lượng Bộ Công thương - cơ quan có chức năng xử lý các số liệu để lập đề án quy hoạch năng lượng, tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam là 1.800MW.
Trong khi đó, Tổ chức GTZ (Đức) công bố số liệu điều tra của Ngân hàng Thế giới cho rằng tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam là 513.360MW, tương đương 200 lần công suất của Nhà máy thủy điện Sơn La và bằng 10 lần tổng công suất quốc gia dự báo cho năm 2020. Riêng Công ty cổ phần phong điện Phương Mai lại cho rằng con số này là 713.000MW. Tương tự, số liệu về tiềm năng năng lượng khí sinh học, sinh khối và rác thải cũng được công bố rất khác nhau.
Việc triển khai các dự án khai thác càng đáng lo hơn. Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng - Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3, các dự án điện gió được triển khai rất nhỏ lẻ, công suất tuôcbin dưới 20kW và không được nối vào lưới điện.
Theo Hiệp hội Điện gió thế giới, đến cuối năm 2008 tổng công suất điện gió ở Việt Nam chỉ là 1,3MW. Đến giữa năm 2010, chỉ riêng 11 tỉnh, thành duyên hải miền Nam từ Ninh Thuận trở vào đã có 37 dự án điện gió đang triển khai với tổng công suất đăng ký 3.837MW.
Ông Tô Quốc Trụ thống kê một số dự án như trạm điện gió đảo Bạch Long Vĩ có công suất 800kW đưa vào hoạt động năm 2004 và là tuôcbin gió lớn nhất thời điểm này nhưng sau một năm vận hành phải ngừng hoạt động vì sự cố; hệ lai ghép tuôcbin gió - máy phát điện diesel công suất 30kW tại huyện Hải Hậu, Nam Định không hoạt động được do độ cao lắp đặt thấp.
Duy nhất dự án Nhà máy phong điện 1 Bình Thuận do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam đầu tư đã đưa năm tuôcbin gió với công suất 7,5MW điện đấu nối và cung cấp vào hệ thống điện quốc gia từ tháng 8-2009, bỏ qua rào cản về thỏa thuận giá mua bán điện và đến nay vẫn chưa thu được tiền bán điện.
Các khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc sản xuất điện từ năng lượng tái tạo là chưa thỏa thuận được giá mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng cho biết hiện nay chưa có khung pháp lý, chưa có quy hoạch tổng thể cho phát triển điện gió. Ở cấp tỉnh, UBND chỉ chấp thuận về mặt chủ trương, còn nhà đầu tư phải tự lập quy hoạch cho từng dự án vừa sai quy định vừa kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư.
Bên cạnh đó, khó khăn lớn là Nhà nước chưa ban hành giá mua điện và các chính sách tài chính hỗ trợ cụ thể.
Ông Hoàng Hữu Thận - giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển điện - cho rằng trong khi chờ các chính sách hỗ trợ, có thể áp dụng các giải pháp như khai thác năng lượng mặt trời cho chiếu sáng như vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng công cộng, đun nước, tái tạo rác thải thành năng lượng điện vừa tiết kiệm năng lượng vừa giảm ô nhiễm.
Cách đây 15 năm, Công ty Ormat (Mỹ) đã đến Việt Nam nghiên cứu phát triển nhà máy điện địa nhiệt nhưng vì không thỏa thuận được về giá bán điện nên không triển khai"- Ông Tô Quốc Trụ (giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng Việt Nam). (Tuổi Trẻ 30/11, tr8)