Lộ trình sử dụng xăng sinh học E5 khó khả thi
Hàng loạt khó khăn đã phát sinh khi triển khai các dự án xăng sinh học E5 như thiếu nguyên liệu, vốn vay, nhất là việc tiêu thụ. Nếu không giải quyết những khó khăn này thì lộ trình áp dụng phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống đã được Thủ tướng phê duyệt khó khả thi.
Tiêu thụ khó
Là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện dự án sản xuất xăng sinh học E5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu từ nguyên liệu là sắn, mỗi nhà máy công suất 100 triệu lít ethanol nhiên liệu/năm tại Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước.
Ngoài các nhà máy của PVN, theo báo cáo của Bộ Công Thương, cả nước đã có thêm 4 nhà máy sản xuất ethanol nhiêu liệu khác đi vào hoạt động, với công suất thiết kế khoảng 335 triệu lít ethanol/năm. Tuy nhiên, những nhà máy này đều sử dụng nguyên liệu chủ yếu là sắn lát khô, nhưng giá nguyên liệu đầu vào thay đổi bất thường, từ đó đã khiến cho doanh nghiệp sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.
Mặt khác, sắn là loại cây trồng thu hoạch một lần trong năm, nên việc dự trữ nguyên liệu của các nhà máy đòi hỏi nguồn vốn khá lớn, trong khi lãi suất vay ngân hàng ở mức cao, khiến cho các doanh nghiệp các khó khăn hơn trong việc duy trì sản xuất.
Không chỉ gặp khó khăn về nguyên liệu, các doanh nghiệp còn “bí đầu ra”. Ông Nguyễn Duyên Cường, Phó Trưởng ban Thương mại thị trường của PVN dẫn chứng, nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu tại Bình Phước của PVN đi vào hoạt động từ tháng 4-2012 và đã sản xuất được 13,677 triệu lít cồn, bán nội địa được 9,099 triệu lít, xuất khẩu được 0,1 triệu lít.
Trong quý I-2013, nhà máy sản xuất được 2,607 triệu lít nhưng bán nội địa được 1,890 triệu lít và xuất khẩu được rất ít 0,3 triệu lít. Điều này dẫn đến thực tế, không ít nhà máy phải chịu áp lực lượng tồn kho cao trong khi chi phí vốn đầu tư lớn.
Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), mặc dù doanh nghiệp đầu tư chi phí cải tạo cửa hàng bán xăng sinh học E5, cũng như giảm giá bán, xong lượng tiêu thụ vẫn rất chậm. Cụ thể, chính sách bán hàng của PV Oil là bán xăng E5 thấp hơn xăng thường là 100 đồng/lít và tăng chiết khấu của đại lý hơn so với xăng A92 lên 150 đồng/lít, như vậy PV Oil đang phải bù lỗ 250 đồng/lít. “Mặc dù nỗ lực lớn nhưng số lượng bán ra của doanh nghiệp rất thấp”, ông Tuấn than thở.
Doanh nghiệp còn "cân nhắc phương án"
Vị đại diện của PVN nhìn nhận, Tập đoàn là đơn vị tiên phong đưa xăng sinh học E5 ra thị trường nhưng rõ ràng một mình PVN tham gia mà không có đơn vị đầu mối thì thực sự khó khăn.
Trong khi đó, "ông lớn" chiếm tới 50% thị phần xăng dầu là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thì lại cho rằng, Petrolimex đã xây dựng quy hoạch kho xăng dầu để chuẩn bị cho việc đưa xăng sinh học E5 ra thị trường nhưng việc lựa chọn phương thức triển khai lại là bài toán khó.
Bà Hoàng Thị Long Vân, Phó Trưởng phòng kỹ thuật xăng dầu (Petrolimex) cho biết, do gặp khó khăn lớn về tài chính khi kinh doanh xăng dầu bị lỗ trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho các hệ thống phân phối các sản phẩm E5 trên phạm vi toàn quốc là rất lớn, Petrolimex vẫn tiếp tục phải cân nhắc phương án đầu tư hiệu qủa nhất để triển khai.
Ngoài ra, việc thiếu thông tin chính thức về nguồn cung nguyên liệu sinh học của cả nước cũng là lý do khiến Petrolimex chưa có quy hoạch cụ thể bố trí cho hệ thống kho bãi.
“PVN chỉ làm một số tỉnh đã khó khăn, thì với Petrolimex chiếm đến gần 50% thị phần, có khắp cửa hàng tại vùng sâu vùng xa thì việc phối trộn sẽ như thế nào?”, bà Vân đặt câu hỏi.
Như vậy, chưa đầy 8 tháng nữa (tháng 12-2014), các doanh nghiệp phải thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống (Quyết định 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Nếu các bên liên quan vẫn chưa có "tiếng nói chung" để xây dựng mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm thì lộ trình này có nguy cơ “vỡ trận”. (Báo Hải Quan Online 23/5, mục Thời sự, tác giả Phan Thu)