Leo thang & mưu đồ
Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc. Thế nhưng không vì thế mà chúng ta chấp nhận bằng mọi giá. Một đất nước có chủ quyền, giàu tinh thần độc lập, một dân tộc của tinh thần bất khuất, ý chí quật cường không bao giờ chịu khuất phục…
Việc in bản đồ Trung Quốc trên hộ chiếu vừa qua đã bị các nước có quyền lợi liên quan bằng các biện pháp khác nhau phản đối quyết liệt. Ấn Độ ngay lập tức có hành động đáp trả bằng cách in trên hộ chiếu những vùng mà Trung Quốc và họ đang tranh chấp. Việt Nam từ chối hộ chiếu có hình lưỡi bò, Philippines không chấp nhận bất cứ loại hộ chiếu nào của Trung Quốc bất kể cũ mới. Mỹ đã lên tiếng đòi câu trả lời từ Bắc Kinh…
Trước sức ép của các nước, Trung Quốc đã phải hạ giọng bằng lời giải thích của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi rằng việc in hình trên bản đồ là "cải tiến về công nghệ' và không nên bị "săm soi". Thưa ông Hồng Lỗi, việc in phần lãnh thổ của nước khác lên hộ chiếu của mình sao lại là “cải tiến về công nghệ”? Việc các nước có chủ quyền bảo vệ lãnh thổ của mình, phản đối hành động sai trái này sao lại gọi là “săm soi”? Đối với việc làm sai trái này, tờ South China Morning Post (Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam) của Trung Quốc có trụ sở ở Hồng Công đã bình luận: “… về mặt ngoại giao đó thực sự chỉ là một hành động ngu ngốc”.
Không dừng ở đó, vừa qua báo chí nước này lại loan tin cảnh sát Trung Quốc có quyền lên tàu, chặn bắt các tàu mà họ gọi là xâm nhập trái phép vào vùng Biển Đông từ ngày 1/1/2013. Tin trên lại một lần nữa khiến dự luận thế giới không thể không lo ngại, bất bình. Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nhận định quyết định của Trung Quốc là “một diễn biến rất nghiêm trọng” làm gia tăng căng thẳng. Quyết liệt hơn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland nói sẽ đặt câu hỏi thẳng thắn với Trung Quốc về ý đồ này và “… từ nay cho đến lúc đó, chúng tôi sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào đối với những thông tin báo chí của Trung Quốc”. Lần này, Trung Quốc đã vội vã “đổ lỗi” cho rằng đó là sáng kiến của chính quyền địa phương tỉnh Hải Nam.
Riêng đối với “người anh em” Việt Nam, trả lời báo New York Times (đăng ngày 1.12.2012), Giám đốc Sở Ngoại vụ Hải Nam Ngô Sĩ Tồn nói rằng qui định khám xét tầu bè trên Biển Đông chỉ chủ yếu áp dụng cho “tàu thuyền đánh cá bất hợp pháp của Việt Nam”. Câu nói này phải chăng họ đặt ra qui định chỉ để dành áp dụng cho Việt Nam chúng ta?
Còn gần đây, sau khi tàu cá của họ gây đứt cáp tầu thăm dò dầu khí của ta ngay trên vùng biển của ta, bị phản đối quyết liệt, họ lại “đổi trắng thay đen”, nói tàu của ta đuổi tàu cá của họ và đưa ra yêu cầu vô lý đòi chúng ta phải ngừng hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông.
In hình lưỡi bò lên hộ chiếu. Tự qui định quyền được lên tàu khám xét tại Biển Đông. Làm đứt cáp quang tàu thăm dò dầu khí Việt Nam ngay trên biển Việt Nam… Có thể nói, những việc làm ngang ngược gần đây của Trung Quốc chỉ là sự tiếp nối cho chuỗi các hành động leo thang nhằm độc chiếm Biển Đông và không chỉ Biển Đông.
Tất nhiên là điều đó không thể xảy ra.
Làm những việc trên, họ đang tự tách ra khỏi một cộng đồng gắn bó trong một thế giới luôn lấy sự đoàn kết để phát triển. Nói cách khác, những mưu đồ của họ sẽ chỉ mang lại cho họ sự cô lập trong khu vực và trên trường quốc tế. Nhân loại tiến bộ sẽ nhìn họ với sự cảnh giác cao độ. Đó là bi kịch đối với một quốc gia dù có to lớn đến đâu. Có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân khiến Trung Quốc dù “rất to” mà “không lớn”!?.
Về phía Việt Nam, chúng ta luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc. Thế nhưng không vì thế mà chúng ta chấp nhận bằng mọi giá. Một đất nước có chủ quyền, giàu tinh thần độc lập, một dân tộc của tinh thần bất khuất, ý chí quật cường không bao giờ chịu khuất phục. Không có bất cứ ai có thể đe dọa hay “bắt nạt” được một dân tộc quật cường. (Dantri.vn 10/12, mục Blog 24/7, tác giả Bùi Hoàng Tâm)