Khởi tố hình sự vụ buôn lậu xăng dầu tại Vinapco
Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu xăng dầu xảy ra tại Công ty Vinapco, đồng thời, dự kiến sẽ chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an để tiếp tục điều tra, xử lý.
Thông tin này được Bộ Tài chính cho biết chiều nay, 29/11. Trong bản thông cáo vừa phát đi, Bộ Tài chính cho biết, quyết định khởi tố vụ án hình sự buôn lậu xăng dầu trên đã được Cục Điều tra chống buôn lậu ký vào ngày hôm qua, 28/11.
Dẫn lại vụ việc, Bộ Tài chính cho hay, ngày 10/5/2012, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên xăng dầu Hàng không Việt Nam (gọi tắt là Công ty xăng dầu Hàng không- Vinapco) (có trụ sở tại: 202 phố Nguyễn Sơn, phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, do ông Trần Hữu Phúc - Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật) đã mở tờ khai hải quan tạm nhập 5.463,111 tấn xăng Mogas 92 mua từ Singapore. Sau khi nhập khẩu, số xăng trên được doanh nghiệp gửi tại Kho xăng dầu Đình Vũ của Công ty Cổ phần 19-9.
Đầu tháng 7/201, Vinapco đã mở 7 tờ khai hải quan tái xuất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KVI, khai báo tái xuất tổng số 296,6 tấn xăng Mogas A92 (tương đương 422.645 lít xăng), trị giá khoảng 8 tỷ đồng cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cung ứng dầu và thủy sản thành phố Bắc Hải - Trung Quốc qua cửa khẩu Tà Lùng - Cao Bằng.
Số xăng tái xuất trên được bơm từ Kho xăng dầu Đình Vũ tại Hải Phòng vào 7 xe ô tô stec. Hải quan cảng Hải Phòng đã niêm phong kẹp chì vào 7 xe trên, hoàn thành hồ sơ tái xuất và giao cho chủ hàng vận chuyển đi cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng Cao Bằng để tái xuất vào các ngày 7/7/2012 và 10/7/2012.
Vinapco đã giao cho ông Nguyễn Hải Triều - Quyền giám đốc Xí nghiệp thương mại dầu khí hàng không miền Bắc chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tái xuất này, đồng thời, phải áp tải lô hàng tái xuất này đến cho đối tác Trung Quốc.
Tuy nhiên, trên thực tế số xăng này ngay sau khi làm xong thủ tục tại Hải Phòng, Vinapco đã không tái xuất sang Trung Quốc, mà đã được các đối tượng bán các doanh nghiệp trong nước để tiêu thụ nội địa tại các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên và Phú Thọ.
Bộ Tài chính khẳng định, do có nguy cơ bị phát hiện, các đối tượng đã mượn xăng của đơn vị khác để nhập lại nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát và xử lý của cơ quan chức năng.
Cụ thể ngày 1/8/2012, Vinapco đã xin làm thủ tục nhập lại Kho xăng dầu Đình Vũ số xăng trên sau đó xin hủy tờ khai và chuyển tiêu thụ nội địa.
Qua điều tra xác minh, Cơ quan Hải quan đã xác định tại Trung Quốc không tồn tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cung ứng dầu và thủy sản thành phố Bắc Hải. Đáng chú ý, trước đó Vinapco cũng đã mở 2 tờ khai tái xuất 2.330 tấn xăng thuộc số xăng 5.463,111 tấn tạm nhập trên cho Công ty “ma” này theo đường biển.
Bộ Tài chính cho hay, vụ việc trên có dấu hiệu hoạt động tội phạm có tổ chức, tính chất phức tạp, có dấu hiệu cấu thành tội buôn lậu quy định tại Bộ luật hình sự, vi phạm chính sách thuế, làm thất thu cho ngân sách Nhà nước (trốn thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế bảo vệ môi trường) và vi phạm nghiêm trọng quy định về tạm nhập tái xuất, ảnh hưởng đến chủ trương bình ổn thị trường xăng dầu của Chính phủ.
Căn cứ vào kết quả điều tra, ngày 28/11/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu xảy ra tại công ty này, đồng thời, dự kiến sẽ chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trả lời trên báo chí đăng ngày hôm nay, đại diện của Vinapco thừa nhận có hành vi buôn lậu nhưng lại cho rằng, đó chỉ là vụ việc mang tính cá nhân, không phải chủ trương của công ty. Đây là hình thức mua đứt bán đoạn nên sau khi giao hàng, trách nhiệm vận chuyển là của phía đối tác Trung Quốc.
Trước đó, vào ngày 28/7/2012, Vinapco cũng đã bị liên đới trong vụ việc tạm nhập tái xuất gần 2.000 tấn xăng dầu (trị giá 40 tỉ đồng) qua đường biển nhưng sau đó, bị rót lậu về Việt Nam. Vụ việc đã bị Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện, bắt giữ khi đang bơm xăng vào 3 tàu nhỏ là Hoàng Sơn 09, Hoàng Sơn 02 và Minh Châu 08 của Công ty Hoàng Sơn để tiêu thụ nội địa tại khu vực vùng biển giáp ranh giữa Thanh Hóa và Nam Định.
Sau vụ việc này, Tổng cục Hải quan đã triển khai mạnh mẽ chuyên đề chống gian lận trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất. Bộ Công Thương đã yêu cầu tạm dừng tái xuất xăng dầu qua đường biển, áp dụng từ tháng 8/2012. (Vietnamnet.vn 29/11, mục Kinh tế thị trường, tác giả Phạm Huyền; Pháp Luật TPHCM 30/11, tr2; An Ninh Thủ Đô 30/11, tr6; Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới 30/11, tr3+8; Tuổi Trẻ 30/11, tr5; Thời Báo Tài Chính Việt Nam 30/11, tr5; Pháp Luật & Xã Hội 30/11, tr7; Quân Đội Nhân Dân 30/11, tr8; Hà Nội Mới 30/11, tr1; Tin Tức 30/11, tr13; Giao Thông Vận Tải 30/11, tr10)