Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải của PV GAS lọt Top 10 sự kiện nổi bật của Bộ Công Thương năm 2023
Mới đây, Bộ Công Thương công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2023. Trong đó, việc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) hoàn thành và đưa vào vận hành kho LNG 1 MMTPA Thị Vải đã được bình chọn là một trong những sự kiện nổi bật.
Năm 2023, Việt Nam thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức. Với bối cảnh chung như vậy, ngành công nghiệp khí Việt Nam nói chung và PV GAS nói riêng cũng đã gặp không ít trở ngại. Thế nhưng, với sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), sự hỗ trợ tích cực từ Bộ/Ban/Ngành, các cấp, đơn vị, sự phối hợp nhịp nhàng từ thượng nguồn đến hạ nguồn… cùng sự đoàn kết, quyết tâm cao của tập thể Ban Lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên, người lao động, PV GAS đã không ngừng cố gắng để vượt qua những thách thức và hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu được giao.
Đặc biệt, việc khánh thành và đưa vào vận hành kho LNG 1 MMTPA Thị Vải – kho LNG đầu tiên Việt Nam là một điểm sáng nổi bật trong hoạt động PV GAS năm vừa qua.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Lễ khánh thành kho LNG 1 MMTPA Thị Vải.
Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải do PV GAS làm chủ đầu tư, cùng Liên danh Tổng thầu Samsung C&T và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Hệ thống kho 1 MMTPA LNG Thị Vải đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế, cũng như các yêu cầu về an toàn vận hành thông qua quá trình thẩm định chuyên sâu; được đánh giá cao bởi độ chi tiết, tính khả thi và chặt chẽ giữa các khâu hoạt động. Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải liên tục nguồn khí thấp áp cho các hộ tiêu thụ công nghiệp với công suất trung bình khoảng 80 tấn/ngày. Hệ thống và đội ngũ vận hành kho luôn trong tình trạng sẵn sàng vận hành tối đa công suất thiết kế 5,7 triệu m3 khí/ngày.
Công trình Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải chính thức đi vào hoạt động, là thành quả cho những nỗ lực vượt bậc của PV GAS trong suốt một thời gian dài. Đây không chỉ là cơ sở hạ tầng LNG đầu tiên ở Việt Nam, mà còn là một ví dụ điển hình cho sự chuyển đổi đột phá của ngành năng lượng quốc gia, chính thức ghi tên Việt Nam vào bản đồ LNG toàn cầu và đánh dấu bước đi quan trọng trên hành trình chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, bền vững; đồng thời góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Quá trình tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc nâng công suất kho LNG 1 MMTPA Thị Vải lên 3 triệu tấn LNG/năm, PV GAS quyết tâm hiện thực hóa trung tâm LNG tại Sơn Mỹ và trung tâm LNG tại Bắc Bộ/Bắc Trung Bộ để hoành chỉnh cơ sở hạ tầng lõi cho ngành công nghiệp khí Việt Nam và PV GAS ngày càng phát triển vững mạnh, thúc đẩy phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Việt Nam ngày càng thịnh vượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thực hiện mục tiêu trung hoà cacbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Năm 2024, PV GAS định hướng nhấn mạnh vào hiệu quả trong sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh quốc tế và phát triển thị trường tiêu thụ khí/LNG/sản phẩm khí, cung cấp khí làm nguyên liệu; tăng cường liên kết, hợp tác trong và ngoài ngành để cung cấp sản phẩm, dịch vụ; kiểm soát, đảm bảo tiến độ các dự án/hạng mục công trình đầu tư xây dựng; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, triển khai các dự án nâng cao hiệu quả khai thác các tài sản hiện có và bổ sung hoàn thiện cơ sở hạ tầng ngành khí theo chiến lược. Đây cũng là bước tiếp theo trong kế hoạch tích cực đầu tư trong lĩnh vực LNG trên cả nước cũng như đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm tiềm năng cho chế biến hóa dầu từ khí (methane, ethane, propane, butane...) và các sản phẩm khí xanh phát thải CO2 bằng 0 (Green H2, Green NH3...).