Họp mặt kỷ niệm ngày truyền thống văn thư lưu trữ Việt Nam
Ngày 6/1/2008, tại Văn phòng Tổng Công ty Khí Việt Nam đã diễn ra Hội nghị kỷ niệm Ngày Truyền thống Văn thư lưu trữ Việt Nam. Hơn 40 cán bộ CNV trong toàn Tổng Công ty đã về dự.
Ngày Truyền thống Văn thư lưu trữ có xuất phát điểm từ mối quan tâm của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ và tài liệu lưu trữ Quốc gia. Ngày 03/01/1946, Hồ Chí Minh- Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đã ký Thông đạt số 1C/VP gửi các Bộ trưởng, khẳng định: “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết Quốc gia và cấm không được tiêu hủy công văn, tài liệu nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép hủy bỏ”.
Pháp lệnh lưu trữ Quốc gia năm 2001 đã khẳng định: "Tài liệu lưu trữ Quốc gia là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Tài liệu lưu trữ phản ánh toàn bộ lịch sử hình thành, phát triển cũng như đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Khối tài liệu này đã, đang và sẽ góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, cũng như việc phát triển về mọi mặt kinh tế xã hội đất nước. Đây không chỉ là bằng chứng không gì thay thế về quá trình hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan chính quyền và các cơ quan chuyên môn, phản ánh trung thực từng thời khắc lịch sử quan trọng, mà còn là di sản của Quốc gia, của dân tộc. Chính vì giá trị vô giá đó, chúng ta phải trân trọng, giữ gìn và phát huy nguồn tài liệu.
Để góp phần giáo dục truyền thống và động viên cán bộ, công chức, viên chức làm công tác Văn thư Lưu trữ; đề cao niềm tự hào, biểu dương thành tích học tập nâng cao kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp của người làm việc trong Ngành Văn thư Lưu trữ, ngày 17 tháng 9 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1229/QĐ-TTg về ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam, trong đó quyết định:
“Ngày 03 tháng 01 hàng năm là ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam - lấy tên là“Ngày Lưu trữ Việt Nam” với mục đích: Giáo dục truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của những người làm công tác lưu trữ và của toàn xã hội trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Động viên phong trào thi đua lao động, nâng cao ý thức kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Lưu trữ; Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ”.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Thông đạt giữ gìn hồ sơ, tài liệu lưu trữ làm Ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam có tác dụng lớn lao đối với xã hội; thực sự góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, của mỗi người dân, của mỗi cán bộ, mỗi người đứng đầu cơ quan, tổ chức…về công tác lưu trữ và về giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ. Nó có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc nâng cao nhận thức của xã hội với việc giữ gìn, bảo quản tài liệu lưu trữ, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hoá phi vật thể quí giá của dân tộc.
Trong không khí vui mừng phấn khởi hướng tới Ngày truyền thống của ngành-Ngày Lưu trữ Việt Nam, các cán bộ văn thư lưu trữ Tổng Công ty Khí Việt Nam đã nghe Tiến sĩ Hà Quang Thanh, Trưởng Khoa Văn thư Lưu trữ Học viện Hành chính Quốc gia ôn lại những truyền thống, giá trị nghề nghiệp của công tác văn thư lưu trữ. Hội nghị đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về những vấn đề đổi mới quan điểm và thực tế công tác của ngành, góp phần đẩy mạnh hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ an ninh nội bộ cho Tổng Công ty. Toàn thể cán bộ, viên chức làm công tác văn thư lưu trữ đều hứa phấn đấu vượt mọi khó khăn, tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, hoàn thành sứ mệnh Cách mạng của Ngành Lưu trữ là “bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia”, góp phần phục vụ các nhu cầu ngày càng tăng của xã hội về khai thác sử dụng nguồn tài liệu lưu trữ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.