Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102&106 giai đoạn 1 hoạt động ổn định
Một sự kiện quan trọng, đánh dấu mốc lịch sử đối Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Khí Việt Nam vừa được công bố: chính thức triển khai khai thác và vận chuyển khí thiên nhiên từ ngoài khơi bể Sông Hồng vào bờ. Chuỗi dự án bao gồm dự án trung nguồn “Hệ thống thu gom khí và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102&106, giai đoạn 1” do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giao cho Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS) làm chủ đầu tư, với mức đầu tư trong giai đoạn 1 là 91,7 triệu USD tương đương 1.925 tỷ đồng, và dự án hạ nguồn “Hệ thống phân phối khí thấp áp cho KCN Tiền Hải – Thái Bình” do PV GAS ủy quyền cho Công ty CP Phân phối Khí Thấp Áp Dầu khí Việt Nam (PVGas D) là Công ty Cổ phần của Tổng Công ty Khí Việt Nam làm chủ đầu tư với mức đầu tư là 62,11 Triệu USD tương đương 1.311 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức đầu tư của chuỗi dự án này là 3.236 ngàn tỷ đồng. Ngày 7/8/2015, Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV GAS đã tiến hành đón dòng khí đầu tiên từ ngoài khơi vào Tiền Hải – Thái Bình, thuộc dự án Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102&106 giai đoạn 1. Ngay sau đó, toàn bộ hệ thống đã đi vào hoạt động ổn định.
Hệ thống thu gom và vận chuyển khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102 & 106, giai đoạn 1 (sau đây gọi là Hệ thống Khí Hàm Rồng- Thái Bình) do Công ty Quản lý dự án Khí đại diện chủ đầu tư Tổng Công ty khí Việt Nam triển khai khẩn trương và thành công chỉ trong 12 tháng, bao gồm: Hệ thống tiếp nhận khí trên giàn Thái Bình, hệ thống đường ống dẫn khí từ giàn khí Thái Bình (Lô 102) về Trung tâm phân phối khí Tiền Hải (nằm trong KCN Tiền Hải – xã Đông Cơ – huyện Tiền Hải) với tổng chiều dài khoảng 25,5 km đi qua địa phận 3 xã Đông Cơ, Đông Minh và xã Nam Thịnh – huyện Tiền Hải – tỉnh Thái Bình.
Trong giai đoạn 1, hệ thống sẽ tiếp nhận và phân phối đến các hộ tiêu thụ qua kênh phân phối khí thấp áp, CNG với sản lượng khí ước tính khoảng trên 560.000 m3 khí/ngày đêm (khoảng trên 200 triệu m3 khí/năm). Áp suất làm việc của hệ thống khí từ 35-45 Kg/cm2.
Mục đích của Hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình là cung cấp khí cho khu Công nghiệp Tiền Hải – tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy kinh tế của địa phương và khu vực phía Bắc.
Ngày 7/8/2015, công tác chạy thử đã được hoàn thành và hệ thống đã đi vào hoạt động cấp khí cho KCN Tiền Hải thông qua hệ thống cung cấp khí thấp áp. Các bên cũng từng bước hoàn thiện việc tăng lưu lượng cung cấp khí để tiếp tục thử nghiệm các thiết bị yêu cầu lưu lượng cao, cũng như theo dõi tính ổn định của chuỗi dự án. Khách hàng của hệ thống hiện là một số hộ tiêu thụ đã thực hiện chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu than đá sang sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên (như Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh Sứ Hảo Cảnh, Công ty Gốm sứ Vigracera, Công ty Gạch Mikado…). Hệ thống cũng sẵn sàng cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ khác, cũng như chuẩn bị các bước vận hành các tổ hợp máy nén khí CNG để cung cấp cho thị trường lân cận bằng xe bồn chuyên dụng.
Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam bộ - KĐN (đơn vị trực thuộc PV GAS) được PV GAS giao nhiệm vụ tiếp nhận quản lý và vận hành công trình khí Hàm Rồng – Thái Bình. Xác định đây là một địa bàn làm việc khó khăn nên ngay từ đầu, KĐN đã triển khai các biện pháp quản lý an toàn tiên tiến vẫn được áp dụng tại các hạng mục công trình của PV GAS khác như: tuân thủ luật pháp và đáp ứng các yêu cầu có liên quan của ngành công nghiệp khí, áp dụng hệ thống quản lý An toàn, Chất lượng, Môi trường theo tiêu chuẩn OHSAS 18001, ISO 9001 và ISO 14001…
Vấn đề đặt ra là trên địa bàn mới, công trình mang tính chất đặc thù nguy hiểm tiềm ẩn nhiều rủi ro cao về an toàn cháy nổ, nhưng các thông tin về công trình khí lại khá mới mẻ đối với nhân dân và chính quyền địa phương. Trên thực tế, tuyến ống dẫn khí đi ngầm dưới biển qua các khu nuôi trồng khai thác hải sản, có nhiều hoạt động của ngư dân và các doanh nghiệp dịch vụ, vận tải biển nên dễ có nguy cơ gây mất an ninh - an toàn cho công trình. Do đó, KĐN đề cao trước nhất là sự phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền về nhận thức cho cộng đồng dân cư, nhằm đảm bảo an ninh an toàn cho công trình, tuyến ống dẫn khí.
Căn cứ vào Nghị định 03/2002/NĐ-CP về việc bảo vệ an ninh - an toàn Dầu khí và Nghị định 13/2011/NĐ-CP về an toàn công trình Dầu khí trên bờ, Công ty KĐN đã sớm triển khai công tác đảm bảo an toàn công trình bằng những hành động thiết thực và khẩn trương. Trước ngày tiếp nhận đưa công trình vào hoạt động, KĐN đã nỗ lực cùng với chính quyền địa phương, Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh Thái Bình cùng các cơ quan hữu quan ký kết “Quy chế phối hợp về bảo vệ an ninh trật tự và an toàn công trình khí” (ngày 5/6/2015 ký Quy chế phối hợp với Công an tỉnh và ngày 11/6/2015 ký Kế hoạch phối hợp với bộ đội Biên phòng tỉnh). Trong suốt thời gian thực hiện quá trình chạy thử tới nay, KĐN đã nhận được sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành tỉnh Thái Bình và nhân dân địa phương nên đã đảm bảo tốt công tác an ninh, an toàn tuyệt đối.
Hiện nay, KĐN đang tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để tổ chức tuyên truyền tập trung, nhằm nâng cao ý thức của người dân, chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp về việc đảm bảo an ninh an toàn cho công trình khí trên bờ và ngoài khơi; tổ chức phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuần tra kiểm soát an toàn đường ống trên biển; xây dựng mạng lưới cộng tác viên để tăng cường công tác kiểm soát an ninh an toàn tuyến ống dẫn khí…
Với những công việc âm thầm và nêu cao tinh thần trách nhiệm hàng ngày, hàng giờ, với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể người lao động của Tổng Công ty Khí Việt Nam đang hăng hái, thi đua trên công trình khí, nguồn lực mới của ngành công nghiệp khí tại Tiền Hải - Thái Bình đang từng bước lan tỏa trên toàn thị trường miền Bắc.