Hành trình trí tuệ - Bản lĩnh – Truyền thống văn hóa Petrovietnam
Ngày 24/8, tại Hà Nội, Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Chương trình tọa đàm với chủ đề “Hành trình của Trí tuệ - Bản lĩnh – Truyền thống Văn hóa Petrovietnam. Đây là chương trình mở đầu cho Tuần lễ Văn hóa Dầu khí năm 2018.
Tham dự tọa đàm có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Trần Sỹ Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); đồng chí Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; các đồng chí Thành viên HĐTV, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn; đồng chí Nghiêm Thùy Lan, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam, cùng các đồng chí cán bộ lão thành ngành dầu khí và hơn 200 cán bộ công nhân viên đại diện cho các đơn vị trực thuộc Tập đoàn.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh tặng hoa vinh danh các nhà khoa học Dầu khí từng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình nghiên cứu khai thác dầu khí tầng đá móng. (ảnh Hiền Anh)
Diễn đàn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để các thế hệ người lao động Dầu khí ôn lại những truyền thống tốt đẹp, khơi dậy niềm tự hào của “Những người đi tìm lửa”. Từ đó tiếp tục vượt khó, lao động sáng tạo và cống hiến cho sự phát triển Tập đoàn và đất nước.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, đồng chí Nghiêm Thùy Lan, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh: “Chặng đường 43 năm xây dựng và phát triển của Petrovietnam là chặng đường đầy thách thức, khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất vinh quang và tự hào. Tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, công nhân lao động Dầu khí qua các thời kỳ đã cống hiến không mệt mỏi, vượt qua muôn vàn khó khăn để xây dựng ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh và phát triển không ngừng. Petrovietnam đã khẳng định được vị thế của Tập đoàn kinh tế trụ cột, hàng đầu của đất nước; đóng góp quan trọng cho ngân sách hằng năm, góp phần điều tiết ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh năng lượng, tham gia giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trên biển.
Trong bối cảnh hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức, việc tiếp tục thắp lửa tự hào về truyền thống và tuyên truyền sâu rộng về Văn hoá Dầu khí là rất cần thiết. Chúng ta cùng nhau, có trách nhiệm gìn giữ, bồi đắp và truyền bá các giá trị đã được hun đúc chắt lọc: Đó là bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp, kỷ cương, nhân ái, trách nhiệm của Văn hoá Dầu khí lan toả và thấm sâu vào tư tưởng, nếp nghĩ, hành động của toàn thể CBCNLĐ Dầu khí nhằm rèn luyện bản lĩnh, lòng tự hào và đề cao trách nhiệm của mình đối với sự phát triển ổn định, bền vững của Tập đoàn và của đất nước”.
Tại diễn đàn, Tiến sĩ Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đã giới thiệu về hành trình tìm dầu trong tầng đá móng của mỏ Bạch Hổ. Câu chuyện thấm đẫm những khó khăn, thách thức cách đây 30 năm mà người dầu khí đã nỗ lực từng bước vượt qua, ghi tên tổ quốc lên bản đồ dầu khí thế giới. Sự kiên trì, sáng tạo, bản lĩnh vượt khó của các thế hệ người dầu khí đã đưa Tổng Cục dầu khí – Tiền thân của PVN đi đến đích khi tìm được dòng dầu trong tầng đá móng. Từ đó, đưa ngành dầu khí Việt Nam từng bước phát triển, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và kiến tạo đất nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh đã bày tỏ sự xúc động khi được nghe về quá trình gian khó nhất của ngành dầu khí. Đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, người dầu khí có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang của mình nhưng chúng ta không được phép tự mãn, kiêu ngạo, phải nỗ lực hơn nữa để tiến về phía trước, vượt qua khó khăn gian khổ. Có làm được như vậy mới có thể xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước, xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo Đảng và Nhà nước dành cho ngành dầu khí.
Tại buổi toạ đàm, các nguyên lão trong ngành dầu khí như đồng chí Hồ Sĩ Thoảng- nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hiệp- nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã ôn lại những kỷ niệm vào thời điểm thành lập ngành dầu khí và giai đoạn phát triển ngành dầu khí thời kỳ đổi mới. Những câu chuyện sinh động, thú vị trong lịch sử xây dựng và phát triển ngành dầu khí khiến các đại biểu có mặt trong hội trường đều cảm nhận sâu sắc những hy sinh to lớn của các thế hệ người dầu khí.
Thành viên HĐTV PVN Phan Ngọc Trung đã bày tỏ sự khâm phục và biết ơn các thế hệ lão thành trong ngành dầu khí. Đồng chí Phan Ngọc Trung nhấn mạnh trí tuệ, bản lĩnh người dầu khí khi đều xuất phát từ con số không như việc tìm dầu trong tầng đá móng, xử lý các vấn đề về bơm ép nước, nâng cao hệ số thu hồi dầu… Nhưng với tinh thần học hỏi và nỗ lực không ngừng, người dầu khí đã vươn lên mạnh mẽ, từng bước làm chủ công nghệ để xây dựng hoàn thành chuỗi giá trị của ngành dầu khí từ khâu thăm dò khai thác, dịch vụ, công nghiệp điện tới chế biến dầu khí.
Đóng góp tham luận tại hội thảo, đồng chí Bùi Quốc Sơn, Phó trưởng ban Quản trị nguồn nhân lực Tập đoàn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Mẹ PVN đã trình bày nội dung cơ bản của Bộ Quy tắc ứng xử Văn hóa dầu khí. Trong bộ quy tắc ứng xử này, việc khó khăn nhất là xác định những giá trị của văn hóa dầu khí. Đồng chí Bùi Quốc Sơn đã đưa ra một loạt những hình ảnh và định nghĩa về văn hóa dầu khí trong suốt chiều dài lịch sử hơn 50 năm xây dựng và phát triển như công thức “Dầu khí bằng anh Bộ đội cộng chuyên gia Liên Xô”, so sánh hình ảnh xây dựng và phát triển PVN từ thời kỳ đầu đến hiện đại… Đồng chí Bùi Quốc Sơn cho rằng, giá trị của văn hóa dầu khí là sự chuyên nghiệp, sáng tạo, trí tuệ và vượt khó. Cán bộ công nhân viên dầu khí luôn phải lịch thiệp, ứng xử văn minh và không ngừng nỗ lực trong công việc.
Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Khuất Thị Lê cũng đem đến một khía cạnh khác về văn hóa dầu khí bằng tham luận “Lao động sáng tạo, cống hiến hết mình là nét đẹp cốt lõi của người lao động Dầu khí”. Trong đó, đồng chí Khuất Thị Lê khẳng định những cống hiến không ngừng của người lao động BSR, coi sự sáng tạo, sáng kiến kỹ thuật, cải tiến sản xuất là giá trị cốt lõi. Đồng chí Khuất Thị Lê nhấn mạnh, muốn doanh nghiệp xây dựng được một văn hóa riêng thì người lão đạo đơn vị phải có văn hóa và thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đó.
Phó TGĐ thứ nhất Vietsovpetro Bondarenko Viacheslav cũng đóng góp tại diễn đàn với bài trình bày Hiệu quả từ mối quan hệ hợp tác Việt- Nga trong công tác thăm dò, khai thác dầu khí. Đây là một bài viết khá công phu, tập hợp nhiều tư liệu trong lịch sử hợp tác thăm dò khai thác dầu khí giữa hai nước. Đặc biệt nhấn mạnh những tình cảm gắn bó, sẻ chia giữa cán bộ công nhân viên Việt - Nga.
Có thể thấy rằng, diễn đàn về truyền thống và văn hóa dầu khí khởi đầu chuỗi chương trình đầy ý nghĩa của Công đoàn Dầu khí Việt Nam đang đốt cháy lên hào khí của người dầu khí trên khắp cả nước. Đây sẽ là hạt nhân để các đơn vị thành viên và các công đoàn trực thuộc xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp, thiết thực, sáng tạo để thắp lửa tự hào trong mỗi con người Dầu khí. Từ đó, người dầu khí thêm vững vàng trước mọi khó khăn thử thách, giữ vững niềm tin, tiếp tục lao động giỏi, lao động sáng tạo, đoàn kết hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, vì sự phát triển của Tập đoàn.
Thành Công