Hạm Đội Thái Bình Dương – Nga: Tiếp nhận bia tưởng niệm ở căn cứ Cam Ranh
Tối 8-5, lãnh đạo Dầu khí Vietsovpetro đã bàn giao những phần còn lại của cột bia tưởng niệm các quân nhân Liên Xô/Nga hy sinh tại Việt Nam cho chiến hạm “Đô đốc Vinogradov” (Hạm đội Thái Bình Dương-Nga) để đưa về trưng bày tại bảo tàng của hạm đội này ở Thành phố Vladivostok.
Các hiện vật gồm cột bia tưởng niệm, mô hình chiếc máy bay và bảng đề tên các quân nhân Liên Xô/Nga đã hy sinh tại Việt Nam.
Từ năm 1980, Liên Xô đã sử dụng bán đảo Cam Ranh (gồm quân cảng và sân bay) để làm điểm hậu cần cho Hạm đội Thái Bình Dương. Sáng 13-2-1985, trong khi hai máy bay TU 95 đang bay tuần tiễu thì bất ngờ chiếc do Thiếu tá cận vệ Krivenko làm cơ trưởng bị rơi cách căn cứ Cam Ranh hơn 1.000 km. Cả chín người gồm những phi công rất kinh nghiệm của hải quân Hạm đội Thái Bình Dương đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển Việt Nam. Năm 1986, một cột bia được dựng lên trong khu vực sân bay Cam Ranh, ghi tên tưởng niệm chín người này.
Tiếp đến, ngày 8-7-1989, thêm một vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại sân bay Cam Ranh làm 16 quân nhân Liên Xô, bảy sĩ quan, chiến sĩ Bộ Tổng tham mưu Quân Đội Nhân Dân Việt Nam và chín phụ nữ, trẻ em là vợ, con các sĩ quan hai bên cũng bị thiệt mạng.
Ngày 12-12-1995, phi đội “Những tráng sĩ Nga” 237 thuộc Trung tâm Trình diễn kỹ thuật hàng không Kojedub gồm năm chiếc phản lực siêu âm SU 27 sau khi bay biểu diễn tại Hội chợ Hàng không ở Malaysia đã tạt qua Cam Ranh tiếp dầu để trở về Hạm đội Thái Bình Dương. Do thời tiết quá xấu, trời nhiều mây mù nên ba chiếc trong số đó đã đâm vào núi Chúa gần Cam Ranh. Đại tá cận vệ B.M. Grigoryev và ba thiếu tá cận vệ A.N Syrovoy, N.A. Grechanov, N.B. Kordyukov đã ra đi khi còn rất trẻ.
Sau sự kiện gây chấn động này, trên đỉnh cột bia tưởng niệm được bổ sung thêm một mô hình chiếc máy bay SU 27 (dài 2 m, sải cánh rộng 1,73 m, cao khoảng 2 m) để tưởng nhớ sự hy sinh của các phi công trình diễn trong phi đội “Những tráng sĩ Nga”.
Năm 2002, phía Nga rút toàn bộ quân lực ra khỏi căn cứ Cam Ranh và sân bay Cam Ranh chuyển sang mục đích dân sự nên cột bia tưởng niệm phải tháo dỡ, thay bằng một “Tượng đài Cam Ranh”, khắc tên 44 quân nhân Liên Xô/Liên bang Nga và 176 quân nhân Việt Nam đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại căn cứ Cam Ranh và miền Trung Việt Nam (công trình hoàn thành cuối năm 2009). Sau khi tháo dỡ, các kỷ vật của cột bia tưởng niệm được lưu giữ cẩn thận và Hạm đội Thái Bình Dương muốn tiếp nhận các kỷ vật này. (Pháp Luật TP.HCM 10/5, tr6, Tác giả Hải Châu)