Hóa chất dầu khí Đông Nam Bộ: 4 năm không vay nợ, lương bình quân nhân viên gần 20 triệu đồng
Mặc dù doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PSE tăng khá mạnh qua các năm nhưng nhiều chỉ số tài chính của PSE đang nằm trên đường xu hướng giảm.
Thực hiện nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên 2012 về kế hoạch niêm yết cổ phiếu, Công ty Cổ phần phân bón và hóa chất dầu khí Đông Nam Bộ (PSE) đã công bố Bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh; Điều lệ công ty và Quy chế quản trị công ty. CafeF xin cung cấp cho độc giả một vài thông tin cơ bản về doanh nghiệp này.
Chiếm lợi thế trong thị trường phân đạm Urê
PSE có vốn điều lệ 125 tỷ đồng và là công ty con của DPM -công ty đứng đầu ngành trong sản xuất và phân phối phân đạm. DPM sở hữu 75% vốn của PSE.
Thị trường khai thác chính của PSE là khu vực Đông Nam Bộ, khu vực chiếm 25,6% diện tích đất nông nghiệp cả nước. PSE chiếm 16% thị phần phân bón Đông Nam Bộ, và chiếm hơn 50% thị phần phân đạm Urê của khu vực này.
Phân đạm Urê là sản phẩm chủ đạo, chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu và lợi nhuận gộp của PSE. Năm 2011, doanh thu phân đạm Urê chiếm 83,3% doanh thu thuần và 85,82% lợi nhuận gộp của công ty.
Tình hình thị trường phân đạm trong nước thời gian qua luôn thiếu hụt nguồn cung. Các loại phân đạm trong đó có phân đạm Urê phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 54% nhu cầu phân đạm Urê.
Theo kế hoạch giai đoạn 2012 – 2015, khi Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn, nhà máy Đạm Ninh Bình công suất 560.000 tấn, nhà máy đạm Hà Bắc đi vào hoạt động sẽ đáp ứng hầu hết nhu cầu phân Urê trong nước. Nguồn cung phân đạm Urê cho PSE sẽ đi vào ổn định và chủ động, đồng thời đặt ra thách thức mới đối với PSE trong việc cạnh tranh với các công ty cùng ngành.
Việc DPM bị từ chối mua Nhà máy đạm Cà Mau cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động trong tương lai của DPM cũng như PSE.
Trong tương lai gần, PSE vẫn chưa có kế hoạch tăng vốn điều lệ mà đẩy mạnh vào việc nâng thị phần phân Urê trong khu vực Đông Nam Bộ.
Hệ suất sinh lợi trên tài sản giảm dần
Mặc dù doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PSE tăng khá trong 2 năm gần đây nhưng chúng tôi cũng xin lưu ý độc giả về một số chỉ tiêu tài chính chủ yếu của PSE.
-Hệ số thanh toán ngắn hạn vẫn đảm bảo nhưng đang thấp dần qua các năm: Nhìn vào thống kê có thể thấy, năm 2009 hệ số thanh toán ngắn hạn 11,54 lần nhưng sang 6 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt chưa đầy 2 lần. Mức này vẫn cao so với các doanh nghiệp trên thị trường nhưng lại đang nằm trên đường xu hướng giảm.
-Nợ ít và chủ yếu là khoản tín dụng của người bán/ người mua nhưng vẫn đang ở trạng thái tăng dần.
-Hệ số sinh lợi trên tổng tài sản, nguồn vốn đang giảm dần.
4 năm không vay nợ ngân hàng
Quan sát báo cáo tài chính PSE từ 2008 đến nay, công ty hoàn toàn không có nợ vay ngắn hay dài hạn. Có được điều này, một phần lớn nhờ chính sách bán hàng thu tiền trước của công ty, tận dụng lợi thế nguồn cung phân bón hiện đang thấp so với nhu cầu. Cơ cấu nguồn vốn cuối quý 2/2012 của PSE bao gồm 45,1% nợ phải trả và 54,9% vốn chủ sở hữu..
Nợ phải trả của PSE chủ yếu là khoản phải trả người bán. Cuối quý 2/2012, số dư phải trả người bán của PSE chiếm 72,1% phải trả ngắn và dài hạn của công ty với 91,94 tỷ đồng. Các khoản phải trả này chiếm phần lớn là phải trả cho công ty mẹ DPM.
Công ty có khoản tiền mặt tương đối dồi dào. Cuối tháng 6/2012, số dư tiền và tương đương tiền của PSE đạt 203,04 tỷ đồng trong tổng số 249,17 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, chiếm 81,5%. Các khoản tương đương tiền đạt 190 tỷ đồng, được PSE gửi ngắn hạn dưới 3 tháng với lãi suất 12-14%/năm.
Bản cáo bạch của PSE do Công ty cổ phần chứng khoán dầu khí PSI lập cho biết, mức lương bình quân cán bộ công nhân viên của PSE năm 2011 đạt con số 19,65 triệu đồng/người/tháng. Với tổng số nhân viên 64 người, hàng năm quỹ lương của PSE tương đương 15 tỷ đồng.
Dự kiến năm 2012, PSE sẽ chi trả cổ tức 12,66%, thấp hơn mức cổ tức 13,34% đã trả năm 2011. Trước 2011, PSE không chi trả cổ tức cho các cổ đông. (Cafef.vn 30/9, Mục doanh nghiệp, tác giả Minh Thư)