PV GAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Hàng giả, hàng nhái: Nỗi ám ảnh của toàn xã hội

Theo thống kê của Bộ Công thương 11 tháng năm 2012, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra gần 135.000 vụ kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, xử lý 70.123 vụ vi phạm (chiếm hơn 50%) với tổng số tiền thu được là 310,28 tỷ đồng.
"Nóng” thực trạng gas giả, gas nhái
Dư luận hẳn chưa hết sốc vì sự rời bỏ thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp kinh doanh gas lớn đến từ các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Hà Lan. Nguyên nhân đã được báo chí phanh phui, mổ xẻ nhiều lần. Đó là thực trạng gas giả, gas nhái tràn lan đã đẩy các doanh nghiệp kinh doanh gas uy tín đến bước đường cùng, buộc phải nói lời từ biệt thị trường gas Việt Nam – từng được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với loại hình kinh doanh khí hóa lỏng. 
Theo con số ước tính của Hiệp hội Gas Việt Nam, 40% số lượng vỏ bình gas trên thị trường là bình giả, bình nhái. Thực trạng này không những gây thiệt hại đến uy ín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn trở thành mối lo thường trực đối với sự an toàn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, dường như việc lập lại trật tự đối với thị trường này vẫn còn là câu chuyện "dông dài” đối với các nhà làm quản lý. Bởi, dù khẳng định thực trạng nói trên của thị trường gas đã diễn ra lâu nay, song theo như nhận định của Bộ Công thương, việc siết lại trật tự, kỷ cương của thị trường này còn phải phụ thuộc vào sự thẩm định quy chuẩn của Bộ Khoa học Công nghệ, cũng như việc rà soát thực hiện Nghị định 107 của Bộ Công thương. 
Hiện nay, theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Bộ vẫn đang tiến hành rà soát theo Nghị định 107 của Chính phủ về vấn đề kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng có hiệu lực từ tháng 1- 2010. Theo đó, qua 2 năm thực hiện, cần phải có một lộ trình rà soát, đánh giá để Nghị định có tính thực thi cao hơn. Ông Quyền cũng khẳng định, năm 2012 thực trạng này "nóng” lên một phần là do thị trường gas thế giới có những biến động thất thường, mặt khác do lực lượng quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bởi vậy đã có rất nhiều vụ việc, rất nhiều hành vi được phát hiện và xử lý.
Liên quan đến việc quản lý chất lượng bình gas trên thị trường hiện nay, theo Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), Bộ đang xây dựng và đã gửi Bộ Khoa học Công nghệ thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bình LPGs làm bằng thép. Thời gian này, Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn đang trong quá trình thẩm định về loại bình này. "Nếu quy chuẩn này chính thức được ban hành thì việc quản lý đối với bình LPGs bằng thép sẽ được thực hiện chặt chẽ, lúc đó, chắc chắn thị trường gas sẽ đi vào kỷ cương hơn”, ông Cao Anh Dũng -Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) khẳng định. Nói như vậy, cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp gas và người tiêu dùng vẫn phải tiếp tục đối diện với những bất cập của thị trường khí hóa lỏng thêm một thời gian nữa (?)
Hàng loạt vụ việc được phanh phui
Có thể nói, vấn đề hàng giả, hàng nhái đã trở thành "nỗi ám ảnh” của xã hội ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, không riêng gì thị trường gas. Bộ Công thương cho biết, 11 tháng năm 2012, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 134.508 vụ, xử lý 70.123 vụ vi phạm với tổng số tiền thu được là 310,28 tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến một số mặt hàng thu giữ với số lượng lớn: 80 tấn phân bón nhập lậu; 38.000 gói thuốc lá nhập lậu, 5.899 hộp mỹ phẩm nhập lậu; 36.285 gói dầu gội đầu giả nhãn hiệu; 1,5 tấn mỳ chính nhập lậu, giả nhãn hiệu các loại; 8kg và 652 chai, hộp tân dược quá hạn sử dụng... 
Chỉ tính riêng trong tháng 11- 2012 , lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra gần 9.500 vụ, xử lý 4.691 vụ vi phạm. Có thể nêu ra một số vụ việc diễn ra gần đây nhất đã được lực lượng Quản lý thị trường bắt giữ với số lượng lớn. Cụ thể, ngày 2-11-2012, đội Quản lý thị trường 4A (Thành phố Hồ Chí Minh) kiểm tra xe ôtô biển số 51D-2439 đi từ kho hàng quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất (địa chỉ 49 đường Trường Sơn, quận Tân Bình) phát hiện và tạm giữ 749 điện thoại di động và 381 phụ kiện điện thoại không có hóa đơn, chứng từ. Tiếp đó, ngày 19-11, Đội Quản lý thị trường số 11 (Hà Nội) phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra Công ty xuất - nhập khẩu Đại Lợi tại số 551 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên (Kho nhà máy xe lửa Gia Lâm), phát hiện, xử lý tiêu hủy lô hàng thực phẩm quá hạn sử dụng gồm váng sữa, nước cam, táo và fomat, trị giá tiêu hủy hơn 240 triệu đồng. Chỉ sau đó một ngày, ngày 20-11, Đoàn liên ngành (Đội Quản lý thị trường số 11 thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn) phối hợp PC 46, PC 67, Cục Hải quan và Công an quận Thanh Xuân kiểm tra xe ô tô Biển kiểm soát 29C-01654, phát hiện 3,5 tấn gia cầm không hóa đơn, chứng từ, không giấy chứng nhận kiểm dịch, trị giá 175 triệu đồng. Đáng chú ý, cũng trong tháng 11, Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện vụ tàng trữ 50.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, trong đó gần 21.000 sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ nhập khẩu; 4 kg bao bì nhãn tiếng Việt dùng để dán lên sản phẩm nhập từ Trung Quốc nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Vụ việc đang được xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 
Theo nhận định của Bộ Công thương, vấn nạn hàng giả, hàng nhái tuy có giảm so với trước, song thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, do đó, Bộ khẳng định thời gian tới, công tác chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng nhái vẫn là ưu tiên hàng đầu và cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương cũng như bản thân các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng để bảo vệ chính họ. (Đại Đoàn Kết 10/12, tr5, tác giả Duy Phương) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên