PV GAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Gian truân nhiên liệu sinh học

Quá trình đưa nhiên liệu sinh học ra thị trường Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Nếu không có những hỗ trợ, chính sách, quyết định mạnh mẽ thì việc triển khai sử dụng rộng rãi loại nhiên liệu xanh, sạch này là rất khó.
Gian nan đầu vào lẫn đầu ra
Ông Nguyễn Đình Hiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), cho biết: “Tính đến tháng 12-2012, cả nước đã có 6 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đi vào hoạt động với công suất thiết kế đạt khoảng 535 triệu lít ethanol/năm. Trong số 6 công ty đang hoạt động mới chỉ có nhà máy của Công ty cổ phần Đồng Xanh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tùng Lâm và 2 nhà máy của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là sản xuất được ethanol nồng độ 99,5%, đạt tiêu chuẩn để pha nhiên liệu sinh học.

Hai nhà máy còn lại đang sản xuất ethanol nồng độ 96%. Cả 6 nhà máy này đều sử dụng nguyên liệu là sắn lát khô. Do khó khăn về thị trường, phần lớn các sản phẩm nhiên liệu sinh học của các nhà máy phải xuất khẩu với giá thấp, không bù đủ chi phí sản xuất do giá ethanol trên thế giới năm 2012 xuống thấp, giá nguyên liệu sắn thời gian qua tăng cao. Ngoài ra, tốc độ phát triển mạng lưới phân phối còn chậm và chưa tương xứng với tốc độ phát triển các cơ sở sản xuất. Điều này gây trở ngại lớn cho việc tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất ethanol nhiên liệu.

Đại diện PVN cho hay: “Thực tế đến nay mới chỉ có 3 trong số hơn 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5 gồm PV Oil, Petec (2 đơn vị thành viên của PVN) và SaigonPetro với quy mô nhỏ do lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học của Chính phủ vẫn chưa được áp dụng. Tổng lượng xăng E5 do PVN cung cấp ra thị trường trong năm 2012 chỉ khoảng 22.000 m3, nếu tính theo lượng sản phẩm ethanol thì chỉ bằng 1,1% công suất sản xuất của một nhà máy ethanol.
Vì vậy, để bảo đảm cho các nhà máy ethanol hoạt động ổn định, hiệu quả trong khi lượng tiêu thụ ethanol nhiên liệu trong nước còn hạn chế, tránh tồn kho quá lớn, các nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu của Việt Nam buộc phải xuất khẩu ethanol sang một số nước trong khu vực như Philippines, Hàn Quốc nhưng khả năng cạnh tranh của các nhà máy này so với thị trường khu vực là rất thấp. Chính vì vậy các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học của PVN buộc phải hoạt động cầm chừng, đồng thời PVN phải tìm hướng xuất khẩu phần lớn sản phẩm với chi phí cao. Do đó, trong thời gian tới, các nhà máy sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Cần có chính sách quyết liệt
Các chuyên gia đều nhận định nguyên nhân nhiên liệu sinh học đang có nguy cơ bị “lãng quên” là do thói quen tiêu dùng và nhu cầu của thị trường với sản phẩm nhiên liệu sinh học còn thấp, các nhà máy sản xuất NLSH hoạt động chưa hiệu quả, chưa chủ động đầu tư vùng nguyên liệu và tâm lý người tiêu dùng đối với sản phẩm nhiên liệu sinh học còn e ngại, sợ rủi ro.
Ngày 17-7 mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình triển khai lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo Quyết định 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với PVN, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các yếu tố an toàn, lợi ích của sản phẩm nhiên liệu sinh học để cộng đồng tin tưởng, yên tâm sử dụng các sản phẩm này. Trong tháng 7-2013, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, đánh giá toàn bộ các nhà máy sản xuất cồn nhiên liệu sinh học, khả năng bảo đảm về nguồn nguyên liệu, công nghệ và phương án sản xuất, các cơ chế, chính sách ưu đãi áp dụng đối với các nhà máy…, đánh giá hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm nhiên liệu sinh học từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đình Hiệp đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu sinh học.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cho hay kết quả nghiên cứu của trường này cho thấy có thể sử dụng được đồng thời nhiên liệu sinh học E10 (xăng pha 10% ethanol) lẫn xăng RON 92 trên động cơ ô tô, xe máy đang lưu hành thông thường mà không gây ảnh hưởng tới tính năng của phương tiện.
Lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học
Theo Quyết định 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống thì từ ngày 1-12-2014, xăng E5 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ ngày 1-12-2015, xăng E5 được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc. Đối với xăng E10, từ ngày 1-12-2016, được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn. Từ ngày 1-12-2017, xăng E10 được sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc. (Người Lao Động Online 28/7, mục Khoa học, tác giả Chánh Trung)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên