Giám sát giá xăng dầu?
“Không tăng giá xăng dầu đến hết tết Nguyên đán”, đó là khẳng định của ông Nguyễn Cẩm Tú, thứ trưởng bộ Công thương, tại cuộc họp cùng các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bàn biện pháp bảo đảm cung cầu, ổn định giá bán xăng dầu từ nay đến hết quý 1/2011.
Không biết nên vui hay nên buồn trước khẳng định này. Doanh nghiệp, người dân có an tâm được không khi khẳng định của thứ trưởng có vẻ như đồng nghĩa với việc sau tết Nguyên đán giá xăng dầu sẽ tăng?
Xăng dầu, cũng như điện, là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế. Mỗi động thái tăng hay giảm giá nó đều tác động không nhỏ đến giá cả của tất cả các sản phẩm, loại hình dịch vụ. Chỉ số tiêu dùng năm 2010 đã tăng tới 11,75%. Giá cả bó rau, con cá, cân thịt… vẫn có xu hướng tăng hàng ngày.
Cũng tại cuộc họp nói trên, bộ Công thương và các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cho rằng: do mức lỗ kinh doanh xăng dầu lớn, diễn ra trong một thời gian dài, đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, tại thời điểm này, các doanh nghiệp vẫn đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng xăng dầu.
Dễ thấy một mâu thuẫn: không ai lại đi kinh doanh một mặt hàng mà lỗ triền miên! Sự tồn tại của các doanh nghiệp xăng dầu, sự phát triển của các đại lý xăng dầu… dường như là một phản biện cho luận điểm trên. Hơn nữa, một vấn đề vẫn còn đang nhập nhằng: nếu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lỗ thì con số thực tế lỗ là bao nhiêu, sao không công bố? Ai chịu trách nhiệm về việc thẩm định mức lỗ của các doanh nghiệp? Sao chưa thấy doanh nghiệp nào tuyên bố phá sản? Bởi lẽ lỗ triền miên “trong một thời gian dài” là điều vượt quá sức chịu đựng của bất cứ doanh nghiệp nào (trừ các doanh nghiệp nhà nước).
Ở một góc độ khác, người dân có lẽ vẫn chưa quên được lời hứa của ông Trương Chí Trung, thứ trưởng bộ Tài chính, hồi tháng 5.2007, rằng: sẽ công khai cách tính giá xăng dầu để nhân dân giám sát. Khi đó, bộ Tài chính hứa trong vài tuần sẽ đưa ra biểu thuế nhập khẩu và công thức tính giá xăng dầu để có thể công bố “trong vài tuần tới”. Qua công thức tính thuế và giá này, người tiêu dùng sẽ tự giám sát được phương án tăng, giảm giá mà các doanh nghiệp đưa ra có hợp lý không.
Nếu làm được điều này, thì quả thật, bộ Tài chính đã tiến một bước dài trong việc thực hiện cơ chế công khai, minh bạch.
Sẽ không còn những thắc mắc về việc giá nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam là giá CIF hay FOB để người dân biết được thực sự giá nhập khẩu xăng dầu có phải gánh thêm phần chi phí vận chuyển đường biển hay không. Sẽ không còn những thắc mắc hay nghi ngờ về tính trung thực của phần “lỗ” mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn luôn kêu ca. Sẽ không còn việc người dân ngờ ngợ về các con số ngàn tỉ mà Nhà nước nói đã dùng để bù lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vì thực ra, số tiền bù lỗ cũng chính là tiền thuế của nhân dân đóng góp, nay quay vòng về với doanh nghiệp.
Với việc công khai, minh bạch thông tin, người dân có thể thẩm định được tính trung thực của những thông tin lời, lỗ cũng như tính hợp lý của việc giảm, tăng giá bán.
Với một việc vô cùng đơn giản là công khai giá nhập khẩu xăng dầu để nhân dân có cơ sở giám sát, sẽ giảm bớt gánh nặng quản lý của các cơ quan nhà nước, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và tạo niềm tin nơi người dân.
Có lẽ, những điều trên đây chỉ có thể thực hiện được hiệu quả khi các bộ ngành và các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng thiết yếu thực sự nghĩ đến lợi ích chung của người dân và “sức khoẻ” của nền kinh tế quốc dân. (Sài Gòn Tiếp Thị 27/12, tr6, Tác giả Chân Luận)