PV GAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

“Dọn nợ” ngân hàng nhìn từ Hàn Quốc

Cuối những năm 90, chất lượng tài sản đảm bảo của hệ thống ngân hàng Hàn Quốc sụt giảm trầm trọng, gây mất an toàn. Đứng trước tình hình trên, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra một loạt biện pháp mạnh nhằm làm sạch các khoản nợ xấu tại hệ thống ngân hàng. 
Chính phủ Hàn Quốc đã bơm lượng vốn trị giá khoảng 78 tỷ USD nhằm mua lại các khoản nợ xấu (NPLs) từ các ngân hàng. Lượng vốn cứu trợ khổng lồ này được huy động từ nguồn trái phiếu chính phủ. 
Theo đó, Chính phủ mua lại các khoản nợ xấu, tỷ lệ sở hữu tại các cổ phần thông qua chi trả bằng trái phiếu chính phủ có giá trị tương ứng, kèm theo một số điều kiện ràng buộc: Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của ngân hàng được cứu trợ. 
Nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2010-2011 đang trải qua khó khăn tương tự, với tình trạng lạm phát, lãi suất tăng cao trong khi đồng tiền trượt giá gần 30%, đã đẩy hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa vào tình trạng phá sản. 
Hiện nay, dư nợ bất động sản, tài chính và tiêu dùng chiếm 16,95% tổng dư nợ, tương đương 360.000 tỷ đồng. Trong khi đó, thị trường bất động sản đóng băng khiến các doanh nghiệp không có tiền để tiếp tục xây dựng hay hoàn thành, đã phải hạ giá bán sản phẩm (như trường hợp của PVL), càng tăng thêm mối lo cho các ngân hàng về khả năng thu hồi vốn. 
Đặc biệt gần đây các vụ vỡ nợ tín dụng đen liên quan đến hoạt động bất động sản và chứng khoán liên tục xảy ra (thậm chí liên quan đến hệ thống ngân hàng), càng làm gia tăng mối lo ngại nợ xấu. 
Vì thế, một trong những nội dung trọng điểm của chương trình tái cấu trúc ngành ngân hàng là việc tập trung xử lý lượng nợ xấu đang tồn đọng và có dấu hiệu tăng mạnh trong hệ thống ngân hàng. 
Nói như Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, việc làm sạch các khoản nợ xấu sẽ bớt áp lực cho ngân sách nhà nước rất nhiều, bởi hiện nay khoản trích lập dự phòng của các ngân hàng thương mại khá lớn, khoảng 20.000 tỷ đồng và tiềm lực các Ngân hàng Thương mại cũng tăng đáng kể so với giai đoạn trước. 
Được như vậy ngân sách nhà nước sẽ giảm bớt gánh nặng trong tình trạng liên tục bội chi và kế hoạch giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống mức 4,8% GDP trong năm 2012 được Quốc hội thông qua. 
Để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Hàn Quốc đưa ra chương trình rà soát theo chuẩn quốc tế, phân loại những mầm mống nguy hiểm nhất. Bộ khung tiêu chí được sử dụng để “khám sức khỏe” hệ thống ngân hàng tạm gọi là PCA (Prompt Corective Actiosn) với những nội dung xoay quanh hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng. 
Nhóm những ngân hàng tệ nhất không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về an toàn vốn theo Basel I (CAR <8%) bị buộc chấm dứt hoạt động độc lập, sáp nhập với ngân hàng có tình hình tài chính tốt hơn. Với nhóm ngân hàng thứ hai dù hệ số CAR <8% nhưng có khả năng phục hồi, được yêu cầu sáp nhập với nhau. 
Những ngân hàng có tình hình tài chính tốt cũng được khuyến khích sáp nhập để hình thành ngân hàng mới có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp đa dạng các dịch vụ và đủ sức phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng quyết liệt. 
Cũng từ đây, số lượng ngân hàng Hàn Quốc sau tái cấu trúc đã giảm 40%, từ 33 ngân hàng (năm 1997) xuống còn 19 ngân hàng (năm 2002) nhưng quy mô vốn, chất lượng tài sản trên bảng cân đối kế toán, năng lực cạnh tranh và khả năng sinh lợi được gia tăng rõ rệt. 
Tiếp theo đó, Chính phủ Hàn Quốc có một loạt động thái cải tổ chính sách nhằm hướng tới gia tăng sức mạnh và tính hiệu quả cho ngành ngân hàng. 
Trước hết là việc ban hành Luật Tập đoàn tài chính, cho phép sự ra đời của hình thức Tập đoàn tài chính, thông qua hình thức sáp nhập và mua lại các định chế tài chính yếu kém, các ngân hàng địa phương. Bên cạnh đó, Luật Ngân hàng cũng được ban hành nhằm quy định chặt chẽ hơn vai trò, nhiệm vụ của hội đồng quản trị, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp với việc yêu cầu có sự tham gia nhiều hơn của các thành viên hội đồng quản trị độc lập và Ban kiểm soát cũng được gia tăng quyền hạn, nghĩa vụ. 
Điểm nhấn thứ hai là Chính phủ cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hệ thống ngân hàng Hàn Quốc. Sự tham gia của các tổ chức ngân hàng quốc tế đã giúp đem lại làn gió mới về năng lực quản trị rủi ro, tiềm lực tài chính, đồng thời cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và tác phong hoạt động chuyên nghiệp. 
Tại Việt Nam, việc hình thành các định chế tài chính dưới hình thức tập đoàn hiện chưa có tiền lệ, do đó khó được cho phép khi chưa có những đánh giá thấu đáo của Chính phủ. 
Tuy nhiên, động thái cho phép một số ngân hàng địa phương có tiềm lực tài chính yếu được tiếp quản và hỗ trợ bởi các ngân hàng đô thị lớn hơn là giải pháp khả thi, với điều kiện các ngân hàng địa phương này chỉ giới hạn các hoạt động tại một vùng địa lý nhất định. 
Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả và khả năng thâm nhập thị trường nông thôn. Đồng thời với việc sáp nhập và tái cấp vốn làm sạch nợ xấu tại các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng nên có điều kiện giới hạn lại lĩnh vực kinh doanh chính của một số ngân hàng nhận cứu trợ, thay vì để các ngân hàng đầu tư tràn lan như hiện nay. 
Hiện nay, với cam kết WTO, Chính phủ đang dần mở cửa sân chơi tài chính - ngân hàng cho nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên vẫn giữ quy định trần tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài chỉ 20% tại mỗi tổ chức ngân hàng. 
Do đó, trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét đến việc nới rộng trần tỷ lệ này, có thể trong thời gian nhất định sau đó chuyển nhượng cho các đối tác Việt Nam tại thời điểm trong tương lai, nhằm tận dụng trình độ quản trị mang tầm quốc tế đến với hệ thống ngân hàng Việt Nam. (Cafef.vn 18/11) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên