Doanh nghiệp xăng dầu lãi khá trong quí 2
Trong quí 2, lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã niêm yết trên sàn chứng khoán tăng khá so với quí 1 trước đó.
Tại Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), báo cáo tài chính (chưa soát xét) công bố mức lợi nhuận sau thuế quí 2 đạt hơn 6,3 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức 1,37 tỉ đồng của quí 1 và mức 3,7 tỉ đồng của quí 2 năm ngoái.
Tính chung 6 tháng, lợi nhuận ròng của SFC đạt 7,7 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2012.
Trong quí 2, báo cáo tài chính cho thấy, doanh thu của SFC chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh chính là xăng dầu. Trong đó, doanh thu bán xăng dầu đạt 528,2 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 97% tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ toàn quí là 539,8 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của SFC, lợi nhuận quí 2 tăng là do trong kỳ công ty đã thực hiện doanh thu từ tài sản là đất đã đầu tư. Khoản thu từ bất động sản của SFC trong quí 2 là hơn 8,1 tỉ đồng.
Tương tự, tình hình lợi nhuận của Công ty cổ phần Vật tư - Xăng dầu (Comeco - mã chứng khoán COM) trong quí 2 cũng tốt hơn quí 1. Theo báo cáo tài chính chưa soát xét của Comeco, mức lãi sau thuế quí 2 là 6,9 tỉ đồng, tăng 23% so với quí trước đó. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, mức lãi lại giảm gần 22%.
Nếu chưa trừ thuế, mức lợi nhuận là hơn 8,8 tỉ đồng, giảm khá mạnh so với mức 11,5 tỉ đồng của quí 2 năm ngoái. Trong khi đó, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của quí này lại tăng khá mạnh so với năm ngoái, lên tới 1.300 tỉ đồng so với 1.166 tỉ đồng.
Giải trình trước cổ đông về sự sụt giảm lợi nhuận, ông Lê Tấn Thương, Tổng giám đốc Comeco cho biết, doanh thu quí này tăng 11,5% do giá bán các mặt hàng xăng dầu tăng so với quí 2 cùng kỳ. Trong đó, xăng A92 từ mức 21.200 đồng lên 23.330 đồng/lít, dầu diesel từ 20.050 đồng lên 21.250 đồng/lít, dầu hỏa từ 20.050 đồng lên 21.300 đồng/lít. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm 23,78% vì công ty trích lập bổ sung dự phòng giảm giá cổ phiếu.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Comeco, công ty này hiện có khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng là 70,6 tỉ đồng, trong đó phải thu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Huyndai Việt Nam là 43,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây là khoản “nợ xấu” vì đã quá thời hạn trả nợ hơn 1 năm.
Báo cáo tài chính nêu rõ, theo hợp đồng mua bán giữa hai bên, thời hạn thanh toán tiền hàng trong vòng 30 ngày kể từ ngày bên bán phát hành hóa đơn giá trị gia tăng cho mỗi đợt hàng. Hợp đồng trên được đảm bảo thanh toán bằng thư bảo lãnh số 1102/12/BL-HDB013 ngày 11-2-2012 của Ngân hàng Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank) có trị giá 50 tỉ đồng. Tuy nhiên đến 30-6-2013, Comeco vẫn chưa nhận được thanh toán như cam kết nên công ty đang tiến hành các thủ tục để thu hồi nợ, đồng thời đã phải trích lập 30% dự phòng phải thu khó đòi số nợ trên.
Trong khi đó, công ty xăng dầu lớn nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đến thời điểm này chưa công bố báo cáo tài chính quí 2.
Tuy nhiên, trên website của Petrolimex, ông Nguyễn Xuân Chài, Trưởng phòng Kinh doanh thông tin, doanh thu hợp nhất của tập đoàn trong 6 tháng đầu năm 2013 bằng 98,6% cùng kỳ năm ngoái, tổng sản lượng xuất bán tại thị trường nội địa không tăng, không giảm.
Tuy vậy, Petrolimex đã nộp ngân sách nhà nước 15.328 tỉ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, khối xăng dầu nộp ngân sách 14.342 tỉ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2012). (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online 12/8, mục Thời sự, tác giả Minh Tâm; Thời Báo Kinh Doanh 12/8, tr1+5)