Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xe cháy
Trước các nghi vấn về nguyên nhân cháy xe, Tổng cục đo lường chất lượng nhận xét rằng trong khi các cơ quan chức năng đều tuyên bố nhận trách nhiệm, thì các doanh nghiệp vẫn im hơi lặng tiếng. Ông Trần Văn Vinh – Đại diện Tổng cục vừa có cuộc trao đổi với báo VnEpress.vn.
Thưa ông, thời gian gần đây liên tiếp các vụ cháy xe xảy ra. Ông nghĩ thế nào về khả năng xe cháy là do các chất phụ gia trong xăng?
Việc kiểm tra chất lượng xăng dầu là hoạt động thường xuyên của Tổng cục. Với vấn đề cháy xe như dư luận nghi là do xăng, theo tôi cần có thêm nghiên cứu mang tính khoa học hơn.
Để xe cháy được cần có nguồn nhiệt, nguồn lửa. Câu hỏi đặt ra là nguồn nhiệt, nguồn lửa đó bắt nguồn từ đâu là rất quan trọng.
Các kết quả thử nghiệm đối với xăng lấy từ hai xe cháy dở cho đến nay khẳng định xăng không có vấn đề gì.
Các kết luận của Tổng cục đưa ra dựa trên mẫu xăng từ các phương tiện bị cháy có chính xác hoàn toàn không, bởi các chất phụ gia có thể đã bay hơi trước khi xăng được kiểm nghiệm?
Kết quả là chính xác. Chúng tôi lấy mẫu ở xăng của xe bị cháy và cả ở nơi người sử dụng đã mua xăng. Các kết quả kiểm nghiệm đều hợp tiêu chuẩn.
Cho dù chủ cây xăng đó thay xăng mới thì vẫn còn tì vết của chất nào đó trong xăng, bởi không bao giờ người ta bán sạch rồi mới mua, mà bán ở mức độ nhất định gần hết sẽ nhập hàng xăng mới về. Nếu có chất bất thường thì sẽ còn dấu vết.
Vừa qua Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công thương đã nhận trách nhiệm về những vụ xe cháy, còn Tổng cục thì sao?
Theo luật, trách nhiệm quản lý chất lượng phương tiện giao thông vận tải thuộc về Bộ Giao thông Vận tải. Bộ Công thương quản lý các cơ sở kinh doanh xăng dầu, có chế tài xử phạt những cửa hàng xăng dầu nhỏ lẻ, kém chất lượng nên cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu.
Nhưng cuối cùng, trách nhiệm đối với việc xe cháy phải thuộc về các cơ sở sản xuất kinh doanh, bởi dù xe có đăng kiểm ở đâu thì khâu ban đầu vẫn là từ nơi sản xuất.
Các cơ quan quản lý Nhà nước không chịu trách nhiệm thay cho những lỗi kỹ thuật, mà chỉ có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở, ban hành quy định thực hiện đăng kiểm, lưu hành và yêu cầu đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Nhà sản xuất kinh doanh không thể đứng ngoài cuộc và đẩy hết trách nhiệm cho các cơ quan quản lý. Đáng lẽ vào lúc này, dù chưa biết nguyên nhân, nhưng khi sự việc xảy ra đối với sản phẩm hàng hóa, các doanh nghiệp phải trấn an dư luận, thu thập thông tin và hợp tác với cơ quan chức năng. Nhưng trên thực tế thì ngược lại, chỉ các cơ quan chức năng đứng ra nhận trách nhiệm, mà chưa thấy doanh nghiệp nào có ý kiến.
Ngày 5/1, Chính phủ đã có Công văn yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo về việc kiểm tra xăng dầu thời gian qua, Tổng cục dự định bao giờ sẽ có báo cáo?
Hiện nay, chúng tôi đang thống kê và tổng hợp các công việc kiểm tra xăng dầu của các chi cục, ngành, chính quyền địa phương. Đến nay, có khoảng 3.000 mẫu xăng được kiểm định, trong đó một số mẫu có chỉ số octan, methanol, acetone cao so với tiêu chuẩn.
Dự kiến trong tuần này, Tổng cục sẽ báo cáo lên Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ sẽ trình Chính phủ. Đây chính là bức tranh toàn cảnh của chất lượng xăng dầu của Việt Nam. (VnEpress.vn 9/1, Mục Khoa học, tác giả Hương Thu)