“Doanh nghiệp Nhà nước chủ yếu nhờ vốn đi vay, chiếm dụng”
Kiểm toán Nhà nước cho biết nhiều doanh nghiệp có nợ phải trả chiếm gần 70% tổng nguồn vốn và tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm khi chỉ có một công ty thực hiện thành công.
27 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là đối tượng được kiểm toán niên độ tài khóa 2011. Kết quả do Kiểm toán Nhà nước vừa gửi các đại biểu Quốc hội cho biết kinh tế khó khăn nhưng 23 đơn vị vẫn có lãi và đóng góp quan trọng cho ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, lãi các tập đoàn giảm mạnh, như Tổng công ty cổ phần Bia rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) chỉ lãi trước thuế chưa bằng 1% của năm trước đó.
Về thực trạng tài chính, nguồn vốn đến cuối năm 2011 của 27 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán là hơn 263.288 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm 24,7%. Tuy nhiên, nợ phải trả lại chiếm gần 70% tổng nguồn vốn. Theo Kiểm toán Nhà nước, điều này cho thấy các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng.
Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn của rất nhiều tập đoàn, tổng công ty 80% - 90% cho thấy phần lớn vẫn là dựa vào nguồn tài chính bên ngoài thay vì tự lực. Tỷ lệ nợ phải trả của VEC và Vinaincon trên 90%, của Cienco 4, Vinaconex trên 80%. Riêng Vinaconex, lãi tiền vay phải trả hơn 1.500 tỷ - chiếm 47,5% vốn điều lệ. Ngoài ra, Tổng công ty lương thực Miền Bắc và Tổng công ty lương thực Miền Nam - hai đơn vị mà lãnh đạo có thu nhập bình quân lần lượt 50,5 và 80 triệu đồng một tháng - cũng có tỷ lệ nợ phải trả trên 60%.
Đến 27/11/2011, tổng nợ phải thu của 27 tập đoàn, tổng công ty là hơn 54.000 tỷ đồng. Kinh tế năm 2011 khó khăn cộng thêm việc một số đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ để khách chiếm dụng vốn lớn, nợ xấu cao, thậm chí dẫn đến nguy cơ mất vốn. Trong khi đó, một số tập đoàn trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đủ.
Báo cáo kiểm toán nêu rõ, tổng các khoản đầu tư tài chính đến ngày 31/12 là 25.750 tỷ đồng. Một số đơn vị đầu tư ngoài ngành nhưng hiệu quả đầu tư thấp, nhiều công ty liên doanh lỗ, mất vốn, đặc biệt các khoản đầu tư vào chứng khoán đều thua lỗ. Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty mẹ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chưa thoái vốn khỏi chứng khoán, bảo hiểm theo quy định. Còn Công ty mẹ Đầu tư và phát triển Công nghiệp đầu tư tài chính ngắn và dài hạn hơn 1.100 tỷ - bằng 2,25 lần vốn điều lệ và vượt 1,25 lần mức quy định. Các công ty khác như Tổng công ty Bến Thành, Công ty TIE thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn cũng đầu tư ra ngoài vượt vốn điều lệ nhiều lần.
Một số tổng công ty, tập đoàn lớn như Cienco8, Mipeco, Petrolimex và một số công ty thuộc Vinaincon, 3 công ty con thuộc Habeco, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đánh giá là "không bảo toàn được vốn".
Tiến trình cổ phần hóa của nhiều doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2011 tiếp tục chậm với lý do của những năm trước đó theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước là "suy giảm kinh tế và thị trường chứng khoán". Trong 27 đơn vị, chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hoàn thành việc cổ phần hóa. Tuy nhiên, tập đoàn lại xác định giá trị vốn nhà nước chưa đúng quy định. Kiểm toán cho hay, Petrolimex phản ánh chênh lệch do đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính vào chênh lệch đánh giá lại tài sản không đúng hướng dẫn và định giá lại khoản đầu tư tại Công ty Hóa dầu thiếu 84,9 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng nêu, một số dự án đầu tư của các "quả đấm thép" sử dụng vốn vay không hiệu quả, chậm tiến độ dẫn đến khó trả nợ. CCI vay VCB 95,5 tỷ đồng để đầu tư Dự án Khu dân cư Hạnh Phúc, khi đến hạn thanh toán 35,8 tỷ đồng thì dự án tạm dừng. Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam cũng được Chính phủ bảo lãnh vay gần 59 triệu euro để đầu tư Nhà máy xi măng Thái Nguyên nhưng không hiệu quả nên Bộ Tài chính phải trả nợ thay hơn 12,5 triệu euro (khoảng 346 tỷ đồng). Một "ông lớn" khác là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng bị "điểm mặt" trong báo cáo kiểm toán này. Theo đó, dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã đưa vào sử dụng từ tháng 7/2012 dự tính thu phí 2 năm nhưng không đủ trả lãi vốn vay trái phiếu đầu tư dự án một năm. (Vnexpress 23/5, mục Kinh doanh, tác giả Thanh Thanh Lan)